Khám phá hành trình của sợi vải bền vững
(Dân trí) - Triển lãm "Hành trình của sợi vải bền vững" giới thiệu quy trình sợi vải thủ công được hình thành. Qua đây, công chúng cũng hiểu thêm về các tai hại của thời trang nhanh.
Triển lãm diễn ra trong 2 ngày: 22 - 23/4, với sự tham gia của nghệ nhân Vì Thị Thuận (Bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).
Theo bà Trần Thị Thu Hoàn, Trưởng đại diện Tổ chức KIBV tại Việt Nam, phương châm và sứ mệnh của tổ chức là "Vì một Việt Nam tươi đẹp" nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua môi trường, giáo dục, xã hội và quảng bá văn hóa đặc biệt là các làng nghề văn hóa.
Vào 10 năm trước, Rana Plaza, một nhà máy may mặc tại Bangladesh bị sập đột ngột trong giờ làm việc, tước đi sinh mạng của hơn 1.000 người, hàng trăm người mất tích và hơn 2.500 người bị thương. Đồng thời, gây ra làn sóng phẫn nộ về tình trạng lao động trên toàn cầu.
Kể từ đó, tổ chức Fashion Revolution đã ra đời với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tiêu dùng thời trang. Năm 2022, Fashion Revolution phối hợp cùng Dự án Empower Women Asia (EWA) tổ chức workshop về thời trang bền vững, với sự tham gia của nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng.
Nối tiếp thành công này, triển lãm Hành trình của sợi vải bền vững (The Journey of Sustainable Fabric) nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng. Tiếp tục với câu chuyện về thời trang bền vững nhưng triển lãm đan cài những góc nhìn độc đáo xoay quanh khía cạnh về văn hóa và môi trường. Sự kiện có sự góp mặt của nghệ nhân dệt vải truyền thống và nghệ nhân đan trực tiếp chia sẻ, trình bày quá trình làm nên chất liệu và thiết kế Việt.
Đến với từng điểm chạm Hành trình của sợi vải bền vững, người xem có thể tự tìm thấy cho mình câu trả lời.
Triển lãm diễn ra từ 22 - 23/4, cụ thể vào lúc 11h-17h ngày 22/4 là hoạt động dệt cùng nghệ nhân đến từ xưởng dệt Hoa Ban+; 11h-17h ngày 23/4 là hoạt động đan sợi cùng Comay Craft.
Nguyễn Tiến Đạt