1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hồng Ánh gây bất ngờ khi thẳng thắn chia sẻ về... cái chết

(Dân trí) - Trái với nhiều người thường né tránh khi nói về cái chết, diễn viên Hồng Ánh đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này, thậm chí Hồng Ánh còn cho biết, chị cũng đã có những sự “chuẩn bị” cho bản thân và gia đình khi mình không còn.

Trên trang cá nhân, diễn viên Hồng Ánh bất ngờ có những chia sẻ suy nghĩ của chị về cái chết – điều mà mỗi người chúng ta thường né tránh hoặc tránh nhắc đến vì ngại đó là điềm xui.

Nói về quan điểm hơi “khác người” này của mình, nữ nghệ sĩ cho rằng, khi chị chọn cách nghĩ thẳng thắn về cái chết là để cuộc sống hiện tại tích cực hơn, biết làm nhiều điều ý nghĩa chứ không phải để “yêu cuồng sống vội”.
Nói về quan điểm hơi “khác người” này của mình, nữ nghệ sĩ cho rằng, khi chị chọn cách nghĩ thẳng thắn về cái chết là để cuộc sống hiện tại tích cực hơn, biết làm nhiều điều ý nghĩa chứ không phải để “yêu cuồng sống vội”.

“Suy nghĩ của mình về cái chết ư? Đó là trạm dừng chân cuối cùng của đời người. Ai rồi cũng đi tới điểm cuối cùng đó. Thế nên, mình không sợ. Mà sao lại phải sợ? Đừng sợ! Vì ai rồi cũng chết. ‘Sống mới khó, chết dễ thôi mà’”, Hồng Ánh cho biết, chị hay nói câu này với bạn bè, người thân khi thấy họ có những biểu hiện hoài phí thời gian, hay thở than tìm đến cái chết.

Chị khẳng định, suy nghĩ “sống khó, chết dễ” chị đã nghĩ từ lâu, từ những ngày còn rất trẻ: “Là một diễn viên, thích xem phim, thích đọc, thích di chuyển nên mình được chứng kiến nhiều những câu chuyện chân thật về cái chết lắm, thật hơn những gì được kể trên màn ảnh nữa”.

Chính với suy nghĩ này, chị đã rất đồng cảm khi câu chuyện về hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang được hiện thực hóa trên sân khấu. Chị đồng cảm với tác giả khi muốn đi tìm câu trả lời thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

Diễn viên Hồng Ánh nhận lời tham gia dự án phi lợi nhuận “Memento Mori – Hãy nhớ, mi sẽ chết" với vai trò diễn viên. Chị đảm nhận vai diễn về câu chuyện có thật của một người phụ nữ trong hành trình cận tử đã chuẩn bị chu đáo như thế nào cho những người ở lại. Tiểu phẩm này được đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chuyển thể từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của Đặng Hoàng Giang.

Chị chia sẻ lý do duy nhất quyết định sự tham dự của mình đó là nội dung của chương trình. “Những câu chuyện kể về cái chết, về giờ phút cận tử, về cách ứng phó, thái độ ứng phó của từng mảnh đời khi đứng trước tử sinh. Những điều này mình thấy rất ít được kể. Trong văn học Việt Nam cũng không có nhiều, trên sân khấu vở diễn duy nhất mình tham gia chọn đề tài này là vở thoại kịch "Cám ơn mình đã yêu em", ngoài ra không biết đã có dự án nào khác không? Mình yêu công việc làm người kể chuyện. Và ở dự án này cảm thấy đề tài, cách kể có tính mới lạ và ý nghĩa nên mình nhận lời tham gia để cùng kể, để là một người được kể với mọi người trong ê-kíp”.

Chị cho biết, ý nghĩa lớn nhất ở đây là “sự chuẩn bị” cho chính mình và những người thân nếu phải đối diện với những điều không may trong cuộc sống. “Biết rằng không ai có thể tránh khỏi hành trình về với sự chết nên người ta chuẩn bị, tập nhìn thẳng vào căn bệnh, sắp xếp những công việc còn dang dở, dành thời gian hữu hạn còn lại cho người thân những người ta yêu quý”.

“Memento Mori – Hãy nhớ, mi sẽ chết hiện thực hóa trên sân khấu những câu chuyện trong Điểm đến của cuộc đời kể lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử.
“Memento Mori – Hãy nhớ, mi sẽ chết" hiện thực hóa trên sân khấu những câu chuyện trong "Điểm đến của cuộc đời kể" lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử.

Hồng Ánh kể lại, khi chị tham gia chương trình ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng cũng có rất nhiều bệnh nhân ung thư nhiều giai đoạn đến xem, cùng với người thân của họ. Chị đã rất xúc động khi mọi người có thể phần nào đồng cảm với thông điệp ý nghĩa và tích cực của chương trình mong muốn mang đến cho mọi người.

Diễn viên Hồng Ánh bày tỏ suy nghĩ của bản thân nếu điều không may mắn xảy ra, trong gia đình mình chẳng may có người thân bạo bệnh. “Nếu ngày tháng tồn tại không còn bao lâu nữa. Mình tự hỏi người thân của mình họ sẽ phản ứng thế nào? Cuống cuồng, hoảng loạn, quyết giữ sinh mạng của người bệnh càng lâu càng tốt, bằng mọi cách, mọi phương pháp dù can thiệp y khoa ở giai đoạn này là không thể. Hay gia đình sẽ mang người bệnh về nhà, chờ.... vì không đủ chi trả phí đắt đỏ. Gia đình mình sẽ chọn lựa phương cách nào đây? Dựa vào ý muốn chủ quan vì nghĩ rằng cách đó mới là yêu thương? Hay gia đình sẽ để người bệnh quyết định? Vì yêu thương có khi cũng là để cho người mình thương tự do lựa chọn. Đó! Có rất nhiều câu hỏi!!!”

Trong cuộc sống chị tin có rất nhiều trường hợp như trên: “Đặt ra vài câu hỏi mới thấy chủ đề đâu còn là sống chết nữa. Chủ đề là “yêu thương”. Mà có khi chúng ta yêu sai, yêu lầm. Yêu không đúng cách nên đau khổ cũng nhiều lắm. Thế nên chương trình nghệ thuật sắp đặt có tên "Memento Mori" trong tháng 9 này mà mình sẽ tham gia sẽ là dịp để tất cả những người khán giả và gia đình của mình nữa cùng nhìn lại, suy ngẫm lại 2 tiếng yêu thương!"

Diễn viên Hồng Ánh cũng thẳng thắn chia sẻ, không chỉ đồng cảm với những thông điệp của dự án mà bản thân chị cũng đã có sự “chuẩn bị” cho riêng mình. Chị nói: “Tôi thấy rất bình thường, nếu cái chết của tôi có diễn ra tôi mong muốn nó đơn giản nhất có thể. Tôi cũng muốn gia đình suy nghĩ thật nhẹ nhàng về cái chết như bản thân tôi đã nghĩ”.

Về sách “Điểm đến của cuộc đời” tác giả Đặng Hoàng Giang

"Điểm đến của cuộc đời kể" lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

Kỳ lạ thay, những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.

Một hành trình dũng cảm. Một cuốn sách tràn đầy tính nhân văn và và sức lay động tâm hồn.

Băng Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm