1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hoài Khánh - kiên định với thơ thiếu nhi

(Dân trí) - “Sáng tác thơ cho thiếu nhi là thế mạnh của tôi. Tôi luôn biết hài lòng với những gì mình có và luôn kiên định với việc làm thơ cho thiếu nhi,” nhà thơ Hoài Khánh chia sẻ.

Văn học thiếu nhi vốn là mảnh đất đầy gian nan. Trong cuộc sống hiện đại, khi mà độc giả quan tâm hơn đến những câu chuyện làm giàu, chuyện tình yêu...thì nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi lại thêm một thách thức nữa. Vậy mà, có một nhà thơ thuộc thế hệ 6X vẫn trăn trở với đam mê dành những trang viết trong sáng cho thiếu nhi. Và ông có lẽ là người "dũng cảm" khi định hình trong sáng tác của mình là "Thơ thiếu nhi".

 

Từ năm 1991 đến này, nhà thơ Hoài Khánh đã liên tục xuất bản 3 tập thơ dành cho thiếu nhi:  Bé kim giây, Nhà xuất bản Hải Phòng – 1991; Tia nắng xanh, Nhà xuất bản Hải Phòng – 1996; Trăng treo giữa nhà, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2004. Những tác phẩm của ông thấm đẫm phong vị trong trẻo, ngộ nghĩnh, những phát hiện lý thú từ những điều giản đơn của cuộc sống. Nhân ngày Thơ Việt Nam 2012 chúng tôi có cuộc trò chuyện  với nhà thơ Hoài Khánh về làm thơ thiếu nhi hôm nay.
 
Hoài Khánh - kiên định với thơ thiếu nhi - 1

Nhà thơ Hoài Khánh (bên phải) tham dự ngày hội thơ
 
Cuộc sống hiện đại, nền văn học cũng bùng nở biết bao đề tài mới mà nhờ đó tác giả sẽ dễ thành công chỉ trong thời gian ngắn. Vậy tại sao đã 20 năm trôi qua ông vẫn dành chọn thơ thiếu nhi làm hướng đi?

 

Tôi đến với mảng thơ thiếu nhi không phải do mình tự lựa chọn. Hồi mới 14 tuổi, tôi đã tập làm thơ. Khi là sinh viên Văn khoa Đại học Sư phạm, rồi sau làm phóng viên ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, ngoài việc ham mê viết báo, tôi cũng thử sức sáng tác thơ, viết truyện ngắn và có khi cao hứng thì sáng tác cả ca khúc, viết kịch bản phim hoạt hình, soạn lời ca khúc chèo và cải lương, gửi cho các báo chí và đài phát thanh. Song thành công chỉ đến với tôi ở mảng thơ cho thiếu nhi.

 

Từ năm 1989 đến nay, hầu như bài thơ nào của tôi viết cho trẻ nhỏ cũng đều được đăng báo, được các em đón nhận, được cả một số nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc thiếu nhi. Bài thơ Đồng hồ báo thức mà tôi sáng tác cuối năm 1988, thì tới năm 2004 được chọn in chính thức trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 - tập 2. Từ năm 1999, tôi cũng may mắn đoạt nhiều giải thưởng về thơ cho thiếu nhi. Chưa chắc tôi đã giành được những thàng công như thế nếu tôi sáng tác thơ cho người lớn. Tôi xác định sở trường sáng tác của mình là thơ cho thiếu nhi và chung thủy với thế mạnh đó.

 

Có thể nói văn học thiếu nhi là mảng văn học khó, đặc biệt là thơ. Nó cần cả sự trong sáng, giản dị để trẻ em hiểu và cũng cần dí dỏm và lý thú để người lớn thích. Không phải nhà thơ nào viết về thiếu nhi cũng làm được điều đó. Vậy làm thế nào mà nhà thơ Hoài Khánh đã làm được điều đó?

 

Khó thì khó thật, nhưng trước tôi có không ít nhà văn, nhà thơ Việt Nam thành danh ở mảng văn học thiếu nhi. Tôi luôn tự hào về họ. Họ có nhiều tác phẩm hay mà không dễ ai sau họ có thể vượt qua. Qua những tác phẩm đó, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho việc sáng tác của mình. Ngoài việc quan sát và hòa nhập với đời sông trẻ nhỏ, tôi chú ý nghiên cứu kĩ tâm lí, ngôn ngữ của trẻ nhỏ ở từng độ tuổi, đồng thời vận dụng những kiến thức mà mình được học, được đọc vào quá trình sáng tác, từ đó gửi gắm điều mình muốn trò chuyện với các em và không cố ý chêm vào những bài giáo huấn. Tôi luôn coi trẻ em là những người bạn vĩ đại. Chúng trong thơ của tôi không hề bé nhỏ.
 

Tiểu thuyết, truyện ngắn tình yêu đang thực sự nở rộ. Các nhà văn theo đuổi mảng văn học đó cũng dành được không ít những thành công. Trong văn học thiếu nhi lại rất gian nan. Có khi nào ông nghĩ mình sẽ chọn lối rẽ khác?

 

Khởi nghiệp văn chương, tôi đã chọn sáng tác thơ cho thiếu nhi là hướng đi của mình. Làm thơ là sở thích chứ không phải nghề kiếm sống của tôi. Vì thế, tôi không băn khoăn nhiều về lĩnh vực sáng tác mà mình đang theo đuổi. Nhưng nếu tôi không đi theo con đường ấy thì cũng chẳng thể nói trước được điều gì. Mỗi nhà văn đều có thế mạnh riêng. Sáng tác thơ cho thiếu nhi là thế mạnh của tôi. Tôi luôn biết hài lòng với những gì mình có và luôn kiên định với việc làm thơ cho thiếu nhi.

 

Giữa rất nhiều những thành quả do cuộc sống hiện đại mang lại, thiếu nhi dường như thờ ơ với thơ hơn? Điều đó có lẽ sẽ là một thách thức lớn với những nhà thơ viết cho thiếu nhi như Hoài Khánh?

 

Tôi cũng nghĩ như vậy. Chính vì thế mà trang viết cho thiếu nhi trước kia và hiện nay đều rất cần sự trong sáng, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và ngây thơ. Nhưng tôi nghĩ, để thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi, còn phải chú ý nhiều hơn đến sự tinh nghịch và tính giả tưởng. Bài học giáo dục nhân cách phải để ẩn trong mỗi tứ thơ. Ngôn ngữ thơ phải thật gần gũi và giản dị với trẻ em. Tôi dùng nhiều động từ, nhiều từ láy và ẩn dụ trong mõi trang thơ. Viết thơ cho trẻ em phải bảo đảm sao cho các bé thích mà còn phải làm sao cho cả người lớn cũng thấy thú vị.
 
Hoài Khánh - kiên định với thơ thiếu nhi - 2
"Tôi luôn coi trẻ em là những người bạn vĩ đại. Chúng trong thơ của tôi không hề bé nhỏ..."

 

Thực tế là thanh niên ngày nay sống vội vàng hơn, thực dụng hơn và bạo lực hơn. Có thể họ thiếu những bài học giáo dục đúng mực từ thuở ấu thơ. Với tư cách là một nhà thơ viết cho thiếu nhi, ông có nghĩ rằng nền văn học thiếu nhi cần làm một điều gì đó?

 

Giáo dục là yếu tố quyết định trong quá trình hình thành nhân cách. Giáo dục cũng là một chức năng của văn học. Nhưng văn học để lộ liễu bài học làm người thì chắc chắn bị bạn đọc xa lánh. Trẻ em có những thị hiếu đặc trưng. Viết văn và làm thơ theo thị hiếu của trẻ em là đương nhiên. Không phải thị hiếu của trẻ thì cái gì cũng xấu. Thị hiếu của trẻ em hôm nay cũng khác xa thị hiếu của lớp trẻ em ngày trước.

 

Ông nghĩ điều gì quan trọng với những cây bút viết cho thiếu nhi trong thời đại hiện nay?

 

Nhiều thứ hiện giờ khiến trẻ em thích thú hơn văn chương. Người sáng tác văn học cho thiếu nhi không chỉ viết theo sở thích của trẻ mà còn phải giúp cho các em qua tác phẩm văn học thấy yêu cuộc đời hơn, biết lựa chọn và thưởng thức cái hay của mỗi trang viết.

 

Có rất nhiều bạn trẻ có ước mơ trở thành nhà văn, nhà thơ hiện đại. Nhưng văn học thiếu nhi vẫn rất hiếm những cây bút có niềm đam mê như nhà thơ Hoài Khánh. Vậy sẽ phải làm thế nào để văn học thiếu nhi ngày một rộn rã hơn?

 

Đã nói tới văn học thiếu nhi, không thể không nói tới những trang viết của chính các em dành cho thế hệ mình. Những năm gần đây, chúng ta chú ý nhiều đến các trang viết tuổi mới lớn, lại thiếu quan tâm đến nâng đỡ những ước mơ văn chương ở lứa tuổi nhi đồng. Còn về phía các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, sự tôn vinh và đãi ngộ của xã hội có phần hiếm hoi lắm. Có quá ít cuộc thi được phát động, chưa nhiều trại sáng tác được mở riêng cho mảng đề tài văn học thiếu nhi,

 

Trên thực tế, có nhiều tác phẩm văn học nước ngoài dành cho thiếu nhi được bọn trẻ nước ta hào hứng đón nhận. Nhưng gần như rất ít tác phẩm trong nước được các em thích thú, có thể do lực lượng sáng tác yếu, mỏng, hay trình độ tư duy tưởng tượng của nhà văn không đạt được yêu cầu của trẻ chăng.

 

Mây năm qua, yếu tố giả tưởng có vẻ mới trong văn học Việt Nam hiện đại, nhưng thực ra nó vốn không xa lạ gì với văn học dân gian nước nhà. Nhưng truyện thần thoại, cổ tích Việt Nam không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích. Các nhà văn chúng ta bao năm nay lại ít sử dụng yếu tố này vào các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Văn học giả tưởng cho thiếu nhi như là chiếc cầu đưa thể loại truyện thần thoại, cổ tích vào trong thế giới hiện đại. Đội ngũ nhà văn cho thiếu nhi đang thưa thớt dần. Tác giả mới xuất hiện cũng ít. Tư duy tưởng tượng là lợi thế của lớp tác giả trẻ. Đã có những sáng tác đầu tiên viết theo lối giả tưởng. Chúng ta tin rằng sẽ có những tác phẩm hay.

 

Sau tập thơ “Trăng treo giữa nhà”, sẽ là...?

 

Tôi sắp có thêm tập thơ thứ tư dành cho thiếu nhi mang tên "Dắt biển lên trời" do Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt vào dịp Ngày thơ Việt Nam năm nay. Tập thơ này gồm 20 bài thơ mà tôi đã sáng tác và được đăng rải rác trên báo chí trong 7 năm qua. Tôi tin với tập thơ mỏng này, mình sẽ không phụ lòng những em nhỏ yêu thơ và cũng không làm thất vọng một ít bạn đọc nào đó đã dành cho tôi một chỗ tin yêu trong lòng họ.

 

Cảm ơn nhà thơ Hoài Khánh!
 

Họ và tên khai sinh: Đặng Văn Tài

Bút danh: Hoài Khánh

Đã xuất bản:

Bé kim giây, thơ thiếu nhi, Nhà xuất bản Hải Phòng - 1991

Tia nắng xanh, thơ thiếu nhi, Nhà xuất bản Hải Phòng - 1996

Trăng treo giữa nhà, thơ thiếu nhi, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2004

Hiện tại đang giữ chức vụ: Phó chủ tịch hội nhà văn Hải Phòng

 

Kim Oanh thực hiện