1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Họa sĩ Lê Thi: Lưng còng, răng rụng... vẫn vẽ tranh

(Dân trí) - 74 tuổi, hoạ sĩ Lê Thi mới cầm bút vẽ. Sau 12 năm, bà hoàn thành hơn 1.000 bức tranh. Dù không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng tranh của bà vẫn được nhiều họa sĩ trong và ngoài nước đánh giá cao bởi tính chân thực và đậm màu sắc làng quê Việt Nam.

Lão tướng chống siêu thực là danh hiệu mà một ông bạn thân đặt cho bà khi ghé thăm triển lãm tranh Quê của họa sĩ Lê Thi tại Thanh Hóa. Người xem có thể cảm nhận được sự quen thuộc, gần gũi trong từng nét vẽ của bà. Đó là ngôi nhà mái ngói mang màu sắc của hoài niệm, là bờ ao, đồng lúa, con trâu, mái đình, cây đa...

 

Bà tâm sự: “Tôi vẽ những gì xung quanh mình theo cảm nhận và cảm xúc riêng”. Cảm xúc đến với bà cũng rất tự nhiên. Có khi chỉ từ đoạn video cháu bà quay ở bãi biển Cửa Lò, Nghệ An với hình ảnh bà lão lom khom cào ngao giữa cái nắng gắt của mùa hè (bức Vẫn còn). Tất cả vườn cây, ao cá, ngôi nhà nơi bà đang sống... đều có mặt trong tranh của bà.

 

Chúng tôi có may mắn được xem tranh và trò chuyện cùng bà trong căn nhà sàn mà con cháu bà cất công lên tận Hòa Bình mua về tặng bà. Căn nhà thoáng mát cũng chính là nơi trưng bày các bức tranh của bà.

 

Tranh có ở khắp mọi nơi: trên tường, nóc tủ, góc nhà... chất thành đống chiếm 1/3 diện tích căn nhà. Đó là chưa kể đến những bức tranh bột màu chưa đóng khung, bà cẩn thận xếp chúng ở trong hòm to, hòm nhỏ.

 

Họa sĩ Lê Thi: Lưng còng, răng rụng... vẫn vẽ tranh - 1
 

Ở tuổi 87, nhưng bà vẫn còn minh mẫn. Vừa nói chuyện vừa nhai trầu bỏm bẻm, bà kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê vẽ tranh của bà từ thuở nhỏ đến bây giờ. Nhiều người bảo bà “điếc không sợ súng” nhưng bà chỉ cười : “Đó là niềm ham thích tự nhiên rồi. Từ nhỏ tôi đã có một mong ước. Đó là được gặp các họa sĩ, xem họ vẽ tranh thế nào. Đến khi mọi người biết đến, tôi có ý muốn học hỏi thì họ lại gàn, họ bảo cứ thích thế nào thì vẽ thế ấy”.

 

Bà tự học vẽ. Học từ việc vẽ những hình vuông, tia sáng cho đến vẽ tĩnh vật, phong cảnh, chân dung... trong cuốn Tự học vẽ mà cháu bà mua về. Bà bỏ qua tất cả các quy tắc về chia khoảng cách, bố cục, màu sắc... có sẵn mà tự lập ra quy tắc vẽ cho chính mình. Thay vì dùng thước đo đạc, tính toán việc chia khoảng cách bà lại dùng tay. “Vẽ nhiều thành quen”, bà giải thích như vậy.

 

Chép tranh cũng là cách tự học có hiệu quả của bà. Năm 1994, bà mượn được cuốn tuyển tập tranh Lêvitan (họa sĩ nổi tiếng của Nga với bức Mùa thu vàng). Trong suốt 1 tháng, bà đã ngồi chăm chỉ chép 32 bức tranh của Lêvitan, đóng thành quyển để tham khảo. Thấy họa sĩ nào hợp với gu tranh của mình, bà lại mày mò chép tranh của họ.

 

Họa sĩ Lê Thi: Lưng còng, răng rụng... vẫn vẽ tranh - 2
 

“Tôi học ở những bức tranh chép ấy những nét vẽ, cách bố cục mà tôi chưa làm. Dựa vào đó, tôi có thể cho những nét mới lạ vào tranh của mình”, bà móm mém cười.

 

Không chỉ đam mê hội hoạ, bà Thi còn có niềm yêu thích văn thơ. Bà không cho mình là văn nghệ sĩ, mà chỉ coi mình là một người yêu thơ. Bà làm thơ cũng tự nhiên như vẽ tranh vậy. Có nhiều bài thơ của bà được lấy cảm hứng từ những bức tranh.

 

Không chỉ thế, bà còn sáng tác văn xuôi. Bà đang viết cuốn Ngược dòng lấy bối cảnh chính từ gia đình mình để “trôi” về quá khứ. Bà Thi tâm sự: “Đó chỉ là một phần hồi ký của tôi. Nhưng tôi chưa viết xong, mới hoàn thành được phần mở. Tôi cần xác định chính xác nhiều thông tin lịch sử nên chưa viết được”. 

 

Chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi ngồi nghe bà kể về 18 nghề mà từ nhỏ bà đã làm để kiếm sống: bán nước, đan thuê, làm bánh cuốn, làm bún, dệt thảm, dệt vải, nuôi tằm... và cả thợ xây nữa. Dường như mọi cái mới mẻ đều cuốn hút bà: “Nghề nào tôi cũng học và làm cho thạo chứ không hề biết qua loa”.

 

Họa sĩ Lê Thi: Lưng còng, răng rụng... vẫn vẽ tranh - 3
 

6 năm đầu cầm cây cọ vẽ là thời gian bà vẽ tranh nhiều nhất. Còn giờ, bà đã yếu. Hôm chúng tôi đến thăm bà đang nằm nghỉ. Nhưng khi hỏi đến tranh là bà ngồi ngay dậy, nói chuyện luôn và tay vẫn giã trầu nhịp nhàng.

 

Gia đình bà thật ấm cúng. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi cùng gia đình bà đi về khu nông trại của bà ở Xuân Mai, Hà Tây. Cuối tuần nào bà cũng cùng con cháu về đây để hít thở không khí của làng quê, tự tay câu cá, bẻ ngô.

 

Anh con trai duy nhất của bà cũng chính là người đã khơi lại lên sự khao khát vẽ tranh nơi bà. Năm 1982, anh đang công tác ở Nga và gửi về hộp màu vẽ cho bà. Ngày nào bà cũng vừa vẽ vừa dạy cháu tập vẽ.

 

Còn cô cháu gái bà còn chở bà đi khắp nơi để bà vẽ tranh, khi thì về quê Thanh Hóa, khi lại lòng vòng quanh Hà Nội. Thằng cháu út thì từ nhỏ đã lẽo đẽo theo bà đến các đình chùa, cánh đồng để xách đồ và xem bà vẽ.

 

Trần Lương - Hà Huyền