Hình ảnh người phụ nữ và quả trứng trong tranh của Trịnh Cẩm Nhi

Lạc Thành

(Dân trí) - Họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi cho biết, ý tưởng làm nên tác phẩm đến từ các trải nghiệm đã trải qua của cô. Nữ họa sĩ luôn trăn trở với hình ảnh quả trứng, tính nữ... nên đã đưa vào các bức tranh của mình.

Ngày 5/7, Vietnam Art Collection (VAC) - Trung tâm sưu tập nghệ thuật Việt Nam - đã giới thiệu sự kiện Đêm trắng của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi, đây là nơi trưng bày các tác phẩm mới nhất của nữ họa sĩ sau 2 tháng lưu trú sáng tác. 

Hình ảnh người phụ nữ và quả trứng trong tranh của Trịnh Cẩm Nhi - 1

Bức tranh "Từ trong đêm" của Trịnh Cẩm Nhi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sự kiện đã trưng bày hơn 20 bức tranh từ các chất liệu màu nước, mực, và acrylic trên giấy dó. Họa sĩ Cẩm Nhi đã sử dụng các hình ảnh quả trứng, rèm cửa, vòng xoáy nước, tính nữ, bàn cờ - những biểu tượng bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ và tâm thức của cô.

Lý giải về cách sử dụng này, nữ họa sĩ cho biết, quả trứng tượng trưng cho sự chớm nở, mong manh nhưng kiên cường, gắn kết tuổi thơ, sự hồn nhiên trong mỗi con người.

Sự lặp đi lặp lại của các yếu tố này như một nỗi ám ảnh đến từ dòng suy tưởng tạo nên sự xen kẽ vừa lạ, vừa quen. Bố cục bàn cờ có trật tự dần được thay thế bằng tiết tấu nhịp nhàng được tạo ra từ hình quả trứng, hình tròn và hình hoa.

"Càng trưởng thành, tôi càng thấy yêu những người phụ nữ xung quanh mình như mẹ, bà và các chị em. Đây cũng chính là lý do tại sao hình ảnh phụ nữ và tính nữ luôn có trong các bức tranh của tôi.

Mọi người thường hay chú ý đến gia đình bên nội của tôi hơn, bởi phần lớn họ đều là những nghệ sĩ thành công và có tầm ảnh hưởng. Nhưng những người họ hàng bên ngoại, đặc biệt là những người phụ nữ, cũng mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm và những câu chuyện khác nhau...", họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi nói.

Theo đó, trưng bày Đêm trắng lột tả nghịch lý mơ hồ giữa ánh sáng và bóng tối, sự chuyển động và tĩnh lặng, sự mềm mại và cứng rắn. 

"Tôi từng vẽ những bức tranh nhiều màu sắc, nhưng gần đây tôi vẽ màu sắc tối giản hơn, vẽ càng ít màu mà vẫn sâu là một thử thách. Vì thế, tôi đã nghĩ đến mực tàu và giấy dó", nữ họa sĩ bộc bạch.

Điểm nhấn đặc biệt của trưng bày là sự hợp tác giữa Trịnh Cẩm Nhi và nghệ sĩ Hà Ninh - người bạn, người đồng nghiệp lâu năm và cũng là nghệ sĩ khách mời của chương trình lần này.

Trong khoảng thời gian dài, 2 nghệ sĩ đã ấp ủ ý tưởng cộng tác trong một dự án thử nghiệm, khám phá mối quan hệ giữa ngôn từ và hình ảnh thông qua "cuộc đối thoại không lời".

Hình ảnh người phụ nữ và quả trứng trong tranh của Trịnh Cẩm Nhi - 2

Họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi (áo xanh) và các khách mời tại sự kiện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Suốt tháng 6, hàng ngày họ gửi cho nhau một bức tranh, đồng thời ghi lại cảm xúc và suy nghĩ cá nhân vào nhật ký. Qua đó, 2 nghệ sĩ khám phá khoảng cách giữa ngôn từ và hình ảnh, đi sâu vào thế giới của ký hiệu và biểu tượng.

Tác phẩm có tựa đề Hà Nội, 06.2024, gồm 30 bức tranh và 2 quyển nhật ký được trưng bày tại không gian nghệ thuật cho công chúng thưởng lãm.

Sự kiện được chính thức mở cửa từ ngày 6/7 đến 31/7.

Họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi (SN 1996) sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Cô là con gái của nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Trịnh Tú.

Ông nội của Trịnh Cẩm Nhi là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997), người nổi danh không chỉ ở hội họa mà còn là một nhà thiết kế nội thất lừng danh đầu thế kỷ 20. Ông cũng là người truyền cảm hứng nghệ thuật thiết kế nội thất đến thế hệ nghệ sĩ ngày nay.

Cẩm Nhi từng có 5 năm học chuyên ngành hội họa ở Roma (Italy).