Hai cuốn sách văn hóa Việt đầu tiên được dịch và xuất bản tại Trung Quốc
(Dân trí) - Hai cuốn "Vắt qua những ngàn mây" và "Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời" là hai cuốn sách văn hóa Việt đầu tiên được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại đất nước này.
Hai cuốn sách thuộc Tủ sách Văn hóa Việt, ấn bản tiếng Trung: Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, dịch giả Chu Dương) và Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (tác giả Vũ Thế Long, dịch giả Thanh Đóa) vừa được giới thiệu tới độc giả tại Trung Quốc, vào giữa tháng 11.
Đây là lần đầu tiên, sách văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên, một tác giả Việt Nam - tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng - sang Trung Quốc giao lưu với độc giả nơi đây.
Ông Tuấn Hoàng cho biết: "Tác phẩm của tôi đã bước ra khỏi địa lý đất nước, được xuất bản tại nước ngoài, khiến tôi thấy vô cùng vinh hạnh".
"Khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ được đi dọc đất nước Việt Nam, khám phá những vùng đất, những con người, lưu giữ những tri thức bản địa, những văn hóa bản địa độc đáo, những nghề truyền thống thú vị ở Việt Nam", ông Tuấn Hoàng chia sẻ thêm.
Cuốn Vắt qua những ngàn mây (Chibooks, Nhà Xuất bản Văn học, 2019) tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Mỗi vùng đất, từ miền Bắc tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, đều được tác giả "vẽ" lại qua những câu chuyện cuộc sống sinh động, mà ẩn sâu sau đó là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất quê hương của người viết.
Chuyển ngữ Vắt qua những ngàn mây, theo dịch giả Chu Dương, cuốn sách không chỉ giới thiệu cho chúng ta chi tiết về cuộc sống của người dân ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, mà còn tái hiện những bức tranh tuyệt đẹp về phong tục tập quán nơi đây.
"Cá nhân tôi hy vọng trong tương lai, cuốn sách có thể mang đến một cảm giác hoàn toàn mới về Việt Nam cho độc giả Trung Quốc. Đồng thời, tôi cũng hy vọng có thêm nhiều bạn đọc thông qua cuốn sách này sẽ tìm đến Việt Nam thăm thú và nhìn ngắm một Việt Nam chân thực ra sao", dịch giả chia sẻ.
Còn tác giả Vũ Thế Long cũng "giao lưu" với độc giả tại lễ ra mắt sách qua hình thức video.
Với cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (Chibooks, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2021), đây là thể loại tản văn, khảo cứu, với lối viết ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ XX.
Tác giả Vũ Thế Long giúp độc giả hồi tưởng, khám phá người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã "đối xử" thế nào với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng "di cư".
Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Chi, chia sẻ: "Hai cuốn sách với góc nhìn sắc sảo, bút pháp đằm thắm, lôi cuốn, sẽ đưa độc giả Trung Quốc hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa bản địa của Việt Nam.
Hiểu được sự khác biệt cũng như nét tương đồng trong văn hóa của nhau sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau, hiểu nhau và cùng tương trợ lẫn nhau, giúp cuộc sống thêm tốt đẹp hơn".