"Dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?"
(Dân trí) - "Không một ai dám "vỗ ngực xưng tên" hiểu rõ tất tần tật tiếng Việt. Chính điều này dẫn đến dẫu người Việt nhưng không chắc chúng ta đã… hiểu hết tiếng Việt?", tác giả Lê Minh Quốc nói.
Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành cuốn sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm của nhà thơ, tác giả Lê Minh Quốc.
Mở đầu sách, tác giả đặt câu hỏi: "Dám nói rằng, dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?".
Ông khẳng định sự phong phú, thâm thúy và uyển chuyển của tiếng Việt, vốn là điều khiến cho người Việt cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên sự khéo léo, nét tình cảm và cái duyên riêng, làm nên bản sắc và linh hồn tiếng Việt.
Bản sắc bất biến của tiếng Việt nằm trong chính sự biến hóa, tác giả đã tóm gọn điều đó trong hai chữ "lắt léo" và "lịch lãm".
Trong tác phẩm, nhà thơ Lê Quốc Minh nhắc đến khái niệm "linh hồn tiếng Việt".
Theo ông, trọn vẹn câu văn "Linh hồn của tiếng Việt không hề mất" là lời dạy, lời nhắc nhở xuyên suốt, giúp ông vững tin, bền lòng mỗi ngày, từng ngày học lại tiếng Việt.
Thông qua cuốn sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, tác giả nhận ra linh hồn tiếng Việt phản ánh ở một số điểm mấu chốt, đầu tiên là phương ngữ vùng miền.
"Dám nói không một ai dám "vỗ ngực xưng tên" là mình hiểu rõ tất tần tật các từ ấy. Chính điều này dẫn đến tình huống cực kỳ éo le, dẫu người Việt nhưng không chắc chúng ta đã… hiểu hết tiếng Việt?", ông Quốc nói.
Thứ hai, cùng một sự vật/sự việc, tiếng Việt có nhiều, thậm chí rất nhiều từ đồng nghĩa dẫn đến sự phong phú, đa dạng của mọi cách diễn đạt, phù hợp thích đáng cho mọi tình huống, tùy theo ngữ cảnh cụ thể.
Do đó, cách diễn đạt của người Việt về một vấn đề nào đó, không "đóng khung" trong mỗi một từ cố định, mà, có sự thay đổi phù hợp tùy đối tượng trong giao tiếp, tùy thái độ, tâm trạng của mình trong thời điểm đó...
Thứ ba, vốn từ tiếng Việt có nhiều từ vay mượn, một lẽ tất yếu như mọi dân tộc khác. Dần dà, người sử dụng cứ nghĩ đó là "thuần Việt" bởi đã quên đi nguồn gốc của nó.
"Có một điều hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm là có những từ vay mượn được thể hiện bằng vài cách đọc khác nhau, hoặc từ vay mượn đó lại "bắt cầu" qua từ tiếng Việt để mang nghĩa khác…", tác giả nói.
Thứ tư, tiếng Việt có nhiều từ đồng âm, gần đồng âm lẫn phương ngữ vùng miền cùng từ vay mượn, người Việt đã "quy ước" với nhau trong cộng đồng những từ/cụm từ nhằm sử dụng giữa "thiên thanh bạch nhật".
Dẫu vấn đề đó có thô tục/thô kệch đến đâu nhưng người nghe vẫn cảm thấy sự lịch lãm ở đó, không thể chê bai, bắt bẻ…
Thứ năm, tựa như mọi ngôn ngữ khác trên toàn cầu, tiếng Việt nhất định phải thay đổi theo năm tháng.
"Trong quá trình này, bản sắc tiếng Việt thế nào? Tôi hoàn toàn đồng thuận với nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo: "Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất"", nhà thơ Lê Minh Quốc cho hay.
Theo tác giả, trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, ông mường tượng tiếng Việt như "con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng rồi chúng ta vững tin, không bao giờ chệch hướng", bởi lẽ đã có "kim chỉ nam" định hướng cho hành trình tất yếu này.
Kim chỉ nam đó chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ… - tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông đã phát huy và gìn giữ cho muôn đời sau.
Với sự phát triển hiện nay trên nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học kỹ thuật, tin học… nhà thơ Lê Minh Quốc cho hay nếu tiếng Việt chưa có nhiều từ tương đương, thì vay mượn tiếng nước ngoài là chuyện thích đáng.
Một khi chấp nhận sự vay mượn này, nếu tồn tại lâu dài chắc chắn, dần dà chúng ta cũng xem nó như vốn từ của tiếng Việt, không "phân biệt đối xử".
"Điều này giúp vốn từ tiếng Việt thêm phong phú, giàu có như chính chúng ta đã nhìn thấy, ít ra là vốn từ vay mượn từ đầu thế kỷ XX đến nay. Còn nếu không, tự bản thân của từ vay mượn sẽ mất đi, nhất là khi tiếng Việt có từ thay thế. Điều này hết sức bình thường.
Thế thì khi các bạn trẻ, dẫu có sử dụng, tôi nghĩ "không sao cả", miễn là không "lạm dụng" quá đáng", tác giả cho hay.
Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, điều đáng tiếc khiến ông cảm thấy âu lo là hiện trạng "tiếng Việt méo mó". Đây là tình trạng người nói hiểu tiếng Việt nhưng lại cố tình viết sai chính tả vì một lý do gì đó.
Điều này, hoàn toàn có thể kiểm chứng trên mạng xã hội, thí dụ: "hay thặc" (hay thật), "nỗi bùn" (nỗi buồn), "pà con" (bà con)...
Trong cuốn sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, tác giả khảo sát 4 khía cạnh của tiếng Việt: sự biến hóa của tiếng Việt theo thời gian; từ mượn rồi "Việt hóa"; phương ngữ miền Trung và Nam Bộ xưa nay.
Trong mỗi phần, tác giả khảo sát rất nhiều đối tượng ngôn ngữ, cả văn nói và văn viết, văn chương bình dân và bác học, đặt trong nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau.
Sau đó, ông tra cứu, tham khảo và đối chiếu với hàng chục từ điển và tư liệu khảo cứu để truy tìm về nguồn gốc và quá trình biến chuyển của từng từ, chỉ ra nghĩa gốc và nghĩa chuyển.
Qua đó, độc giả sẽ thấy được sự muôn màu muôn vẻ, sự vận động và phát triển của ngôn ngữ. Theo tác giả, quá trình đó giúp từ ngữ trở nên "sống động, thiết thực và "có hồn", chứ không phải là "xác chữ".
Nhà thơ, tác giả Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM (nhiệm kỳ 2020-2025).
Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: Thơ, tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo…
Một số tác phẩm của tác giả Lê Minh Quốc do Nhà xuất bản Trẻ phát hành:
Thơ: Trong cõi chiêm bao (1989); Ngày mai còn lại một mình tôi (1990); Yêu em, Đà Nẵng (1999); Tôi chạy theo thơ (2003).
Tiểu thuyết: Bạch Thái Bưởi - Khẳng định doanh tài nước Việt (2007).
Biên khảo: Người Quảng Nam (2007), Người Bến Tre (2020), Lắt léo tiếng Việt (2017), Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm (2024).