1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

(Dân trí) - “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàn…”. Đó là những lời ca trong bản <i>Dạ cổ hoài lang</i> (DCHL) mà cách đây 90 năm, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác đánh dấu sự khởi đầu của nền sân khấu cải lương Nam Bộ.

Tối ngày 29/9, tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức lễ kỷ niệm “90 năm ngày ra đời bản DCHL”, mở đầu cho tuần “Lễ hội DCHL” để tưởng nhớ đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Buổi lễ đã thu hút đông đảo giới nghệ sĩ cải lương và hơn 3.000 người dân Bạc Liêu tham gia.
 

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892, tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Ông đến Bạc Liêu năm lên 4 tuổi và sống trọn đời ở đây.

 

Cao Văn Lầu mất ngày 13/8/1976, tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Hiện tại Bạc Liêu có con đường, khu lưu niệm và giải thưởng cấp tỉnh mang tên ông. 

Mở đầu buổi lễ, ông Võ Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ôn lại thân thế của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và thời điểm ra đời của bản DCHL. Vào một đêm trăng tháng 8/1919, tại làng Vĩnh Hưng - tổng Thạnh Hòa - tỉnh Bạc Liêu, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chính thức công bố bản nhạc bất hủ của mình, bản DCHL.

 

Trải qua 90 năm, bản DCHL đã được phát triển mãnh liệt, từ nhịp đôi được các thế hệ nghệ sĩ phát triển thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64. Từ 20 câu xuống còn 6 câu rồi 4 câu cho đến tận ngày nay, mà đỉnh cao là bản vọng cổ nhịp 32.

 

Ông Võ Văn Dũng đánh giá: “Chưa từng có một bản nhạc nào quen thuộc với mọi người và được xã hội hóa mạnh mẽ đến thế… Ngày nay bản DCHL không chỉ là di sản văn hóa của riêng người Bạc Liêu mà còn là di sản văn hóa của Nam bộ và của cả nước nói chung”.

 

Buổi lễ đã tái hiện lại thân thế của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự ra đời của bản DCHL qua các hoạt cảnh giúp cho người dân hiểu rõ hơn về người nhạc sĩ tài hoa này. 

 

Nghệ sĩ cải lương Thiên Hoa đến từ miền Bắc đã hát bài “Lỡ một chuyến về” bằng giọng “rặt” miền Nam khiến người nghe hết sức bất ngờ và thán phục. Nghệ sĩ Thiên Hoa tâm sự: “Chị rất yêu cải lương và có ý định sẽ sống mãi với cải lương”.
 
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 1

Nghệ sĩ Thiên Hoa (giữa) khiến người nghe ngỡ ngàng bởi chất giọng "rặt" Nam bộ

 

Còn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, cũng được ghi nhận là người có công góp phần đưa bản DCHL đến với khán giả cả nước qua các sáng tác nhạc của mình như bài hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” nổi tiếng.

 

PV Dân trí cũng gặp được cụ Cao Văn Hoai (86 tuổi, một trong những người con của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu) trong đêm khai mạc. Cụ Hoai cho biết, cố nhạc sĩ có 7 người con, hiện chỉ còn 2 người. Cụ Hoai (con trai thứ 4) đang sống ở Bạc Liêu và cụ Cao Văn Bỉnh (con trai thứ 6) đang sống ở TPHCM. Cụ Hoai còn cho biết mình rất vui khi tỉnh Bạc Liêu cho tổ chức rất lớn lễ kỷ niệm 90 năm bản DCHL để tưởng nhớ đến thân sinh của cụ.

 

Cũng tại đêm khai mạc, tỉnh Bạc Liêu đã trao bằng chứng nhận tuyên dương cho một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ cải lương nổi tiếng NSƯT Trúc Linh, NSƯT Cẩm Tiên, soạn giả Lê Duy Hạnh, nhà nghiên cứu Trần Thuận… 

Một số hình ảnh PV Dân trí ghi tại lễ khai mạc Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang:

* Hoạt cảnh tái hiện lại thân thế cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự ra đời của bản DCHL:
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 2

Cha mẹ Cao Văn Lầu gửi ông cho một nhà sư để học hành
 
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 3

Cao Văn Lầu lần đầu tiên đến với nghệ thuật âm nhạc
 
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 4

Cao Văn Lầu và vợ sau đám cưới cùng hát với nhau
 
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 5

Bản "Dạ cổ hoài lang" chính thức ra mắt vào năm 1919
 
* Và một số hình ảnh khác trong đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu:
Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 6

Nghệ nhân Lý Bạch Huệ đang hát bài "Tình mẫu tử"

Đêm tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 7

Những điệu múa minh họa cho bài "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang"

Huỳnh Hải - Quách Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm