1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hà Tĩnh:

Đề nghị công nhận bản Rào Tre là bản truyền thống tiêu biểu

(Dân trí) - Ngày 26/2, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương này vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê là bản truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn.

Một góc bản Rào Tre
Một góc bản Rào Tre

Theo đó, Hà Tĩnh đề nghị cho phép triển khai dự án bảo tồn bản truyền thống dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Vào năm 1981, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt, tóc xoăn, da vàng sống ở hang động trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào.

Sau phát hiện ấy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh nhận được lệnh bằng mọi giá phải lập bản, đưa bằng được nhóm người này về định cư ổn định.

Trước đây, người Chứt không tiếp xúc với môi trường văn hóa bên ngoài. Họ suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà, ít lao động sản xuất, bởi mọi thứ như gạo, phụ cấp đều được Nhà nước hỗ trợ tối đa. Và khi lập gia đình, họ thường lấy người trong họ hàng.

Song nhờ sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước và những nỗ lực không ngừng của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thì hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre ngày càng có nhiều tiến bộ, đổi mới vượt bậc.

Họ đã bắt đầu tự biết cách tích lũy tiết kiệm, biết cách sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu, trồng cây ăn quả các loại để phục vụ cuộc sống; biết cách ăn uống, tắm giặt, vệ sinh môi trường sạch sẽ…

Đến nay, bản Rào Tre có 41 hộ dân với 147 nhân khẩu.

Những năm gần đây, đã có những cuộc hôn nhân giữa người dân tộc Chứt với người Kinh. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong những nỗ lực cứu lấy đồng bảo dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đang bị đe dọa xóa sổ bởi vấn nạn hôn nhân cận huyết đã tồn tại từ nhiều thế hệ qua.

Xuân Sinh