Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:

Đáng sợ nhất là sự vô thưởng vô phạt

(Dân trí) - Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sĩ tài hoa. Là nhà thơ, anh được nhắc tới với các tác phẩm Đồng dao cho người lớn, Nương thân... Là nhạc sĩ, anh nổi tiếng với các ca khúc như Làng Quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang...

Với tư cách nhà báo, anh từng là "linh hồn" một thời của các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, Sao Việt và đặc biệt là báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Là họa sỹ design anh từng được nhiều giải thưởng về vẽ bìa và trình bày sách. Sắp tới, Nguyễn Trọng Tạo đi Canada và Mỹ đọc thơ, giao lưu cùng bạn đọc. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh trước thềm cuộc "du hí văn chương" này.

Thơ không có tuổi, tình yêu không có tuổi

Thưa, tôi có thể gọi anh là nhà thơ, nhạc sỹ hay nhà báo?

Có lẽ gọi thế nào cũng được nhưng tôi thích được gọi là nhà thơ hơn cả, bởi với tôi, thi ca là cái gốc của mọi nghệ thuật, nên được gọi là nhà thơ, tôi thấy mình có vẻ như "oách" hơn... các nhà khác.

Vâng, thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chuyến đi bắc Mỹ sắp tới của anh có mục đích gì?

Chuyến đi này thực chất là một cuộc "du hí văn chương" như rất nhiều cuộc đi khác của tôi. Lần này, tôi đến Canada để dự kỷ niệm 10 năm thành lập một tạp chí của người Việt Nam mà tôi là một cộng tác viên được họ quý mến. Thứ nữa, tôi sẽ ra mắt ở đó tập thơ Em đàn bà gồm 32 bài được viết trong một năm qua. Năm ngoái (2007), họ cũng đã mời tôi sang để giới thiệu tập Thế giới không còn trăng và đây là lần thứ hai tôi sang đó giới thiệu tác phẩm mới của mình. Tiếp đó, tôi sẽ sang Mỹ để đọc thơ.

Ở thời trai trẻ, anh đã có những bài thơ thế sự rất hay như "Tản mạn thời tôi sống" nhưng giờ đây khi đã lục tuần, anh lại viết thơ tình. Có vẻ như có điều gì "trái khoáy" ở đây?

Tôi nghĩ nó rất đỗi bình thường. Khi nhà thơ quan tâm đến điều gì, anh ta viết về điều đó. Những năm đầu Đổi mới, tôi quan tâm đến thế sự thì tôi viết "Tản mạn thời tôi sống". Còn bây giờ, tôi quan tâm hơn đến tình yêu thì tôi viết về tình yêu. Thơ không có tuổi và tình yêu cũng không có tuổi.

Tôi đã đọc nhiều bài thơ tình thời trai trẻ của anh. Vậy thơ tình tuổi lục tuần có gì khác so với những bài thơ tình thời trai trẻ?

Tập thơ này được viết theo một phong cách mới. Nó là tiếng nói của những tâm trạng khác nhau trong tình yêu. Có gặp gỡ, có biệt li và có cả dục tính (sex), vâng, tình yêu không thể thiếu sex, những điều trước đây tôi đã đề cập trong thơ, nhưng bây giờ lưu vực rộng hơn và cường độ cũng mạnh hơn,

Nếu như không có một cuộc tình thật sự và nhiều sóng gió, khó có thể viết được một tác phẩm như vậy chỉ trong thời gian một năm. Chả lẽ sau hai lần đò, anh còn định "lỡ bước..."?

Tập thơ của tôi viết về cảm xúc thật mới mẻ cộng với những trải nghiệm của chính mình. Tôi không lảng tránh nhưng không muốn nói trước vì thơ là bí mật của tâm hồn. Xin hãy đọc để nhận biết nó viết về ai và viết tặng ai. Một điều lo ngại hiện nay là tập thơ đang in dở thì Hà Nội bị úng ngập, xưởng in bị nhấn chìm trong nước. Vì vậy, công việc bị gián đoạn, không biết có ra kịp cho chuyến đi không.

Anh và bạn anh, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha được anh em văn nghệ "miễu" rằng: "Trăm năm trong cõi người ta - Văn chương mà thiếu Tạo + Kha thì buồn". Anh có phật ý về câu "miễu" này?

Không. Có gì mà buồn. Ngược lại, chúng tôi còn vui nữa là khác. Có lần Nguyễn Thụy Kha nói rằng, anh không ngờ mọi người lại đánh giá chúng tôi cao thế. Một nghệ sỹ có cũng như không, vô thưởng vô phạt thì mới đáng sợ, đáng lo ngại.

Bảo tôi "mị trẻ" là coi thường lớp trẻ

Trở lại với cuộc "du hí văn chương". Được biết chuyến đi này có cả nhà thơ Vi Thùy Linh. Anh "ăn theo" Linh hay Linh "ăn theo" anh?

Tôi không nghĩ ai "ăn theo" ai. Khi bên đó mời tôi sang, tôi muốn có thêm một tiếng nói văn chương của thế hệ sau, những nhà thơ trẻ đi cùng. Họ thấy thú vị và tôi đề nghị mời Linh và họ đồng ý.

Vì sao anh lại đề xuất Vi Thuỳ Linh chứ không phải một nhà thơ trẻ khác?

Đúng là nhà thơ trẻ gần đây xuất hiện nhiều và không ít người có những đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà. Sau khi cân nhắc, tôi thấy sự có mặt của Vi Thuỳ Linh là rất ấn tượng, vì Linh là một hiện tượng văn học dù có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Tuy nhiên, chính nhờ sự "quăng quật", Linh càng khẳng định mình là một nhà thơ.

Điều đó có nghĩa là không phải anh chọn Linh vì anh "mị trẻ" như có người nói về anh và các người bạn của anh ủng hộ các nhà thơ trẻ?

Như đã nói ở trên, tiêu chí mời là do những người Việt Nam ở Canada chứ không phải do tôi. Tôi chỉ là khách. Cũng cần nói thêm rằng tôi không đồng ý với từ "mị trẻ" vì đó là cách nói coi thường thế hệ trẻ. Đừng tưởng "mị trẻ”, những người trẻ thường rất nhạy cảm, và ở tuổi trưởng thành họ không thích được "xoa đầu". Những người trẻ, họ giàu mơ ước và luôn khát khao với những ý tưởng mới lạ. Coi thường trẻ thì khó được họ quý trọng thật sự bởi theo tôi, muốn là người lớn thì hãy công kênh trẻ con lên vai, và muốn thành trẻ con thì hãy cưỡi lên lưng trẻ.

Giải thưởng văn chương - Ai bỏ, bỏ cho ai?

Có người nói Nguyễn Trọng Tạo bị cái bệnh "trung ngôn" của người xứ Nghệ nên dù văn chương tài hoa nhưng luôn "kị zơ" với giải thưởng?

Tôi không nghĩ thế bởi tôi biết có những nhà thơ xứ Nghệ văn chương rất "thường thường bậc trung" nhưng lại có khá nhiều giải thưởng. Thật ra, tôi có 2 lần dự giải thưởng thường niên của Hội. Lần thứ nhất là năm 1995 với tập Đồng dao cho người lớn. Tập này qua vòng chung khảo cùng với Thư mùa đông của nhà thơ Hữu Thỉnh - Phó tổng thư ký Hội Nhà văn. Sau đó, qua bỏ phiếu, Thư mùa đông được giải còn tập của tôi thì không. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó là Chủ tịch Hội đồng Thơ viết trong báo cáo tổng kết rằng, tập thơ Đồng dao cho người lớn sẽ là tập thơ "kết" với bạn đọc và sẽ sống lâu với thời gian. Nhưng nó không được giải là do bỏ phiếu thôi. Ai bỏ phiếu và bỏ cho ai cũng là điều dễ hiểu.

Còn lần thứ hai, nghe nói anh "thèm" được chấm người khác nên tự rút tác phẩm của mình?

Dạo đó, tôi nằm trong Hội đồng Thơ và có nghĩa là thành viên Hội đồng xét giải. Tự nghĩ, mình nằm trong Hội đồng nếu dự giải thì áy náy dù trước đó, nhiều người vẫn làm như vậy. Nhưng để xóa bỏ tiền lệ không hay này, tôi đề nghị nếu ở trong Hội đồng thì không dự giải và ngược lại, nếu dự giải thì nên rút khỏi Hội đồng. Và tôi đã rút tập thơ Nương thân để ngồi chấm giải cho yên thân. Sau này, nhà thơ Bằng Việt và nhà thơ Trúc Thông theo "tiền lệ" đó mà xin rút khỏi Hội đồng để dự giải, và kết quả là cả hai anh đều được giải.

Tại sao anh không rút khỏi Hội đồng để dự giải mà lại rút khỏi giải để làm ông Hội đồng chấm giải?

Lần đầu tiên tôi tham gia Hội đồng nên cái ý nghĩ được "chấm" người khác làm cho tôi khoái. Lâu nay họ "chấm" mình, giờ mình "chấm" họ. Và rất may, chính tôi tham gia chấm giải, nên đã "cứu" được một "thi phẩm" đã bị ném vào sọt rác lại trở thành thám hoa (không có trạng nguyên). Đó là tập Trầm tích của nhà thơ Hoàng Trần Cương.

Mình lại đi chấm giải cho... mình

Trường ca "Trầm tích" nổi tiếng đã từng bị "ném vào sọt rác"?

Đúng là như vậy. Bữa họp Hội đồng xét giải, tôi đi vắng không có mặt. Khi về, thấy không có Trầm tích trong danh sách trình xét giải thưởng, tôi đề nghị xét lại toàn bộ giải thưởng, nếu không tôi sẽ rút khỏi Hội đồng. Một số nhà thơ khác trong Hội đồng cũng ủng hộ ý kiến của tôi và sau đó, tập thơ vào chung khảo với số phiếu rất cao và đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn năm đó. Nhưng điều vui mừng hơn cả là cho đến nay, Trầm tích là tập trường ca được giới phê bình ca ngợi nhiều nhất với khoảng 50 bài viết, và cũng được coi là trường ca hay nhất từ khi Đổi mới đến nay. Không chỉ đứng vững trong lòng bạn đọc trong nước, mới đây nó còn được dịch ra tiếng Anh và nhà thơ Hoàng Trần Cương được "ăn theo" một chuyến đi Mỹ để giới thiệu về thi phẩm này.

Ở quê tôi đã từng có trường hợp một tờ báo mở cuộc thi hơn 2 năm trời. Anh em văn nghệ sỹ vô cùng phấn khởi hào hứng dự thi. Đến ngày trao giải mới tá hoả giải nhất thuộc về bố vợ TBT, giải nhì em vợ TBT và giải ba là... vợ TBT. Chẳng biết độ chính xác của giám khảo đến đâu nhưng điều này hết sức phản cảm nên sau đó ở đây truyền nhau rằng: “Giải nhất thì biếu cụ nhà - Giải nhì phần cậu, giải ba bu mình"...?

Tôi thấy hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở địa phương mà cả một số giải thưởng ở trung ương. Giải thưởng là sự khẳng định nỗ lực của tác giả đồng thời có tính định hướng dư luận. Do đó trong khâu xét giải nếu như nể nang, cảm tính, thiếu công tâm, thiếu trình độ thẩm định thì rất nguy hại cho văn học, nghệ thuật. Trớ trêu thay, có nhiều người trong hội đồng giải thưởng lại tự chấm giải cho mình. Vì thế mà ở xứ Cố Đố đã có vè chấm giải thế này:

Cố Đô, giải thưởng tỉnh nhà - Cố tranh nhau giải để mà lấy đô (USD) - Họ Trần, họ Vũ, họ Tô - Vừa thi, vừa chấm, vừa vồ giải cao...

Hình như còn "rón rén" với văn học Việt ở nước ngoài

Gần đây, báo Văn nghệ có chủ trương đăng lại một số tác phẩm xuất bản ở miền Nam trước 1975. Anh đánh giá việc làm này như thế nào?

Đây là việc làm muộn, quá muộn nên đành an ủi "muộn còn hơn... không". Đáng lẽ ngay sau ngày đất nước thống nhất 1975, chúng ta phải nhìn nhận bộ phận văn học nghệ thuật dưới chế độ Sài Gòn một cách khách quan hơn, ít thiên kiến hơn. Hãy nhìn nhận giá trị của tác phẩm độc lập với tác giả. Đừng vì nó là của người này hay người kia đã từng thế này hay thế khác mà có thái độ phân biệt hoặc kỳ thị vì suy cho cùng, những giá trị văn chương đích thực chính là tài sản chung của dân tộc chứ không phải của riêng ai.

Còn đối với văn học của người Việt Nam ở nước ngoài?

Đây là một mảng văn học Việt khá phong phú và mới lạ, phức tạp. Có những nhà văn "cũ" và các nhà văn “mới”. Dù đã cởi mở nhưng hình như chúng ta còn quá thận trọng, "rón rén" đối với dòng văn học này. Tôi nghĩ, những gì thuộc về luật pháp đã cấm (đồi trụy, kích động bạo lực, chống lại hòa bình chia rẽ đoàn kết dân tộc...) thì phải thực hiện nghiêm, không khoan nhượng, còn những gì không thuộc điều cấm của pháp luật thì nên có cái nhìn rộng rãi, cởi mở hơn. Nhà văn trong nước thuận lợi là có cái nhìn từ trong ra thì ngược lại, những người Việt Nam ở nước ngoài có lợi thế nhìn từ ngoài vào. Hơn nữa, họ viết chính bằng tâm hồn người Việt, ngôn ngữ Việt và làm cho văn học viết bằng tiếng Việt phong phú đa dạng hơn.

Xin cám ơn anh!

Bùi Hoàng Tám (Thực hiện)