Dàn diễn viên "Sao Tháng Tám" sau gần 5 thập kỷ giờ ra sao?
(Dân trí) - Sau 48 năm, dàn diễn viên phim 'Sao Tháng Tám" người còn, kẻ mất nhưng những ký ức một thời làm phim vất vả mà hào hùng, vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, đến nay, Sao Tháng Tám vẫn là bộ phim đen trắng màn ảnh rộng đầu tiên và thành công nhất về đề tài này.
Tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam được sản xuất năm 1975 - 1976 do NSND Trần Đắc đạo diễn đã đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977.
Có thể nói, Sao tháng Tám không chỉ là bộ phim mang giá trị lịch sử mà còn là mảnh đất để nhiều diễn viên tỏa sáng.
Sau gần 5 thập kỷ, dàn diễn viên gạo cội như: NSND Thanh Tú, nghệ sĩ Dũng Nhi, NSƯT Đức Hoàn, NSƯT Thanh Hiền… có người đã ra đi mãi mãi, người ở lại thì cuộc sống đã nhiều thay đổi.
"Chị Nhu" NSND Thanh Tú - Cuộc sống bình yên tuổi 80
NSND Thanh Tú đi diễn từ năm 17 tuổi. Đến nay, sau hơn 60 năm theo nghiệp diễn xuất, gia tài của bà là những bộ phim, vở kịch sống mãi với thời gian. Là những nhân vật để đời và trở thành biểu tượng của một thời.
Ở lĩnh vực điện ảnh bà từng tham gia các phim Biển lửa, Tiền tuyến gọi, Em bé Hà Nội (1974), Vùng trời (1975)... nhưng phải đến khi hóa thân vào vai người cán bộ Việt Minh can trường, xuất thân từ bần cố nông tên Nhu trong phim Sao Tháng Tám, Thanh Tú mới để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.
Sau gần 5 thập kỷ, khi nhắc lại những ngày tháng xả thân cho vai diễn này, nữ nghệ sĩ gạo cội vẫn không khỏi bồi hồi.
Với bà, Sao Tháng Tám là một hồi ức đẹp trong cuộc đời nữ nghệ sĩ. Thời gian có thể đổi thay nhưng dấu ấn lịch sử, chứng nhân lịch sử vẫn còn nhắc nhớ. Bởi vậy, Thanh Tú nói vui rằng: "Năm nào cứ đến ngày này tôi chả được "giỗ" cùng Sao Tháng Tám".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Thanh Tú cho biết, cơ duyên bà đến với vai diễn này rất tình cờ.
Đó là năm 1976, khi đạo diễn Trần Đắc thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thử vai cho bà để vào phim Chị Dậu, ông đã "nhặt" bà vào luôn vai Nhu.
Lúc đạo diễn Trần Đắc quyết định chọn Thanh Tú, giám đốc hãng phim không đồng ý. Ông cho rằng, bà không phù hợp với vai nữ chiến sĩ chịu khổ chịu sở để hy sinh cho cách mạng nhưng đạo diễn Trần Đắc vẫn không thay đổi ý định.
Cuối cùng, bằng sự động viên, chỉ bảo tận tình của ông, Thanh Tú đã làm cho mọi người phải quên đi những vai diễn "tiểu thư phố cổ" trước đó của mình.
Để thể hiện vai Nhu, Thanh Tú đã phải "biến thân" một cách ấn tượng, thể hiện sự đa chiều của nhân vật.
Từ một cô nữ sinh Đồng Khánh thanh lịch, một công nhân lam lũ mang bụng bầu đến nhà máy làm việc, đến người đàn bà quê mùa đánh giậm dưới ao, người bán bánh cuốn khéo léo, nhanh miệng, và cuối cùng là người lãnh đạo phong trào vùng ven đô kiên nghị, rắn rỏi.
Tất cả những hóa thân này nhằm che mắt mật thám, xây dựng cơ sở cách mạng và bảo vệ đồng đội.
Bà chia sẻ, để diễn cảnh chị Nhu thâm nhập vào Phật giáo nhằm truyền bá cách mạng, bà đã phải đến chùa Bà Đá (Hà Nội) nghe giảng pháp, tìm hiểu sâu hơn về Phật pháp, và học cách tụng kinh, nói kệ.
Với diễn xuất đỉnh cao, vai Nhu đã giúp bà giành giải Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1977.
Sau thành công quá lớn của vai diễn này, bà từ chối tham gia các dự án điện ảnh khác. Đến năm 1984 Thanh Tú tham gia các bộ phim như: Tình yêu và khoảng cách, Truyện cổ tích cho tuổi 17, Thời hiện tại, Gánh hàng hoa, Mối tình sau song sắt… Tuy nhiên, tất cả không vượt qua được đỉnh cao của Nhu trong Sao Tháng Tám.
Đến năm 2011, nghệ sĩ Thanh Tú bất ngờ trở lại với hai dự án phim truyền hình: Bà nội không ăn bánh Pizza và Lời thú tội của Eva. Những vai diễn này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh ôn nhu, hiền hòa, chính chuyên mà bà từng xây dựng.
Giờ đây, ở tuổi 80, nữ nghệ sĩ tìm đến cuộc sống an yên với đạo Phật, diễn xuất và bên con cháu.
Bà có hai người con, người con trai cả định cư ở Pháp. Hiện bà sống cùng cô con gái thứ 2 tại một căn nhà gần hồ Tây.
Trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà bảo: "Giờ bình yên trong tâm hồn là vui nhất". Những lúc rảnh rỗi, bà thường gặp những người bạn cũng như nghệ sĩ Thanh Quý, nhà viết kịch Trịnh Thanh Nhã để hàn huyên, nói chuyện.
Rồi bà tìm đến đạo Phật là để trở về chính bản ngã, được là chính mình, để một chút an lòng cho hiện tại, để hóa giải cho số kiếp đa đoan của mình, để tìm thấy lẽ sống an nhiên.
Năm 2022, bà trở lại sân khấu kịch với vở Giác và thực hiện giấc mơ xây dựng sân khấu thử nghiệm mang tính hàn lâm mang tên Sao xanh.
Và năm nay, Thanh Tú cũng xuất hiện thường xuyên trong các dự án phim giờ vàng của VTV như: Gặp em ngày nắng, Mình yêu nhau, bình yên thôi, Vui lên nào, anh em ơi…
Nghệ sĩ Dũng Nhi: Từ giáo viên tay ngang đến diễn viên gạo cội
Nghệ sĩ Dũng Nhi thủ vai nam chính tên Kiên trong Sao Tháng Tám khi ông mới hơn 20 tuổi và đang theo học ngành sư phạm. Trước đó, nam nghệ sĩ không có ý định trở thành một diễn viên.
Và dù bước vào phim ảnh trong tâm thế của một người tay ngang "lấn sân" nhưng Dũng Nhi đã thể hiện được tài năng của mình khi lột tả chân thực hình ảnh của một người thanh niên trí thức đến với cách mạng nhưng vẫn đau đớn, xót xa cho chị gái.
Cảnh quay Kiên bị thương và ánh mắt đầy cảm xúc của nhân vật này đã trở thành một khoảnh khắc khó quên trong sự nghiệp của nghệ sĩ Dũng Nhi.
Sau thành công của Sao Tháng Tám, nghệ sĩ Dũng Nhi trở thành gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ. Đặc biệt, vai Bí thư Hoàng Kim trong phim Bí thư tỉnh ủy (2010) đã giúp ông giành giải Nam diễn viên được yêu thích nhất.
Những vai diễn nổi bật khác của ông gồm: Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ và Thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong Chạy án.
Hiện tại, ở tuổi ngoài 70, nghệ sĩ Dũng Nhi đã hạn chế đóng phim, dành thời gian cho gia đình và tận hưởng những chuyến du lịch cùng vợ, ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau.
NSƯT Thanh Hiền: Cô Mến dịu hiền "ác hóa" đầy ấn tượng
NSƯT Thanh Hiền đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua vai cô Mến trong Sao Tháng Tám - một vai diễn quan trọng đánh dấu bước ngoặt đưa bà đến với điện ảnh và truyền hình.
Khi nhận vai diễn này, bà chỉ mới 20 tuổi, đang là sinh viên năm hai tại khoa Diễn viên điện ảnh.
Gương mặt trái xoan, nụ cười rạng rỡ và đôi mắt đượm buồn của cô Mến đã chinh phục khán giả. Tuy nhiên, NSƯT Thanh Hiền từng chia sẻ rằng chính sự trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm đã tạo nên áp lực lớn trong việc xây dựng nội tâm nhân vật.
Sau vai diễn cô Mến, NSƯT Thanh Hiền tiếp tục gây ấn tượng qua nhiều vai diễn khác như vợ thầy giáo Thứ trong Làng Vũ Đại ngày ấy và vợ Don trong Ngõ lỗ thủng.
Dù đã thử sức với nhiều vai diễn khác, hình ảnh cô Mến hiền lành, chịu thương chịu khó vẫn luôn là một dấu ấn khó phai trong sự nghiệp của bà.
Trải qua gần 50 năm, NSƯT Thanh Hiền đã thoát khỏi hình ảnh người phụ nữ hiền lành, chất phác để thử sức với những vai diễn "ác hóa" đầy bất ngờ.
Điển hình là vai mẹ chồng lươn lẹo trong Mùa hoa tìm lại hay vai phản diện trong Thương ngày nắng về, khiến khán giả vừa ghét vừa khâm phục khả năng diễn xuất đa dạng của bà.
Dù là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh, "cô Mến" ngoài đời lại rất kín tiếng về đời tư. Bà ít khi chia sẻ với truyền thông và luôn xuất hiện với vẻ ngoài mộc mạc, chân chất, gần gũi.
Cố NSƯT Đức Hoàn - Niềm tiếc thương vô hạn
Trong Sao Tháng Tám, cố NSƯT Đức Hoàn đảm nhận vai phản diện Kiều Trinh. Trước đó, bà được đông đảo khán giả biết đến với vai Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc, sản xuất năm 1961.
Bên cạnh đó, NSƯT Đức Hoàn cũng nổi tiếng là một đạo diễn kỹ tính, luôn chú trọng từng chi tiết nhỏ nhất trong các tác phẩm của mình, từ việc chọn diễn viên đến xử lý âm nhạc.
NSƯT Đức Hoàn qua đời năm 2003, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người hâm mộ và đồng nghiệp. Những đóng góp của bà cho điện ảnh Việt Nam vẫn được nhớ đến và kính trọng, đặc biệt là khả năng khai thác sâu sắc tâm lý phụ nữ trong các tác phẩm của bà.