Cục Di sản văn hóa yêu cầu Quảng Nam báo cáo về việc trùng tu Chùa Cầu

Lạc Thành

(Dân trí) - Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An báo cáo cụ thể về quy trình trùng tu Chùa Cầu - Hội An.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngày 29/7, đơn vị này đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An báo cáo cụ thể về quy trình pháp lý và kỹ thuật thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Cụ thể, văn bản nêu trong mấy ngày qua, một số cơ quan báo chí phản ánh nội dung có ý kiến khác nhau liên quan đến màu sắc bên ngoài di tích Chùa Cầu sau khi được tu bổ.

Cục Di sản văn hóa yêu cầu Quảng Nam báo cáo về việc trùng tu Chùa Cầu - 1

Diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu (Ảnh: Ngô Linh).

Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nghiên cứu, có báo cáo cụ thể về quy trình pháp lý và kỹ thuật thực hiện tu bổ di tích.

Cục Di sản văn hóa yêu cầu gửi báo cáo trước ngày 31/7 để cục này báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các đơn vị trên có hình thức phù hợp tổ chức công bố công khai nội dung dự án, các phương pháp khoa học tu bổ đã sử dụng cho việc xác định và lựa chọn màu sắc gốc của công trình.

Chiều 30/7, Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã cho thợ quét vôi lại mảng tường phía dưới lan can, hướng ra mặt sông Hoài.

Nói về màu sơn mặt dưới lan can Chùa Cầu phía sông Hoài đã "sậm" hơn, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - cho biết: "Cái này là do quét vôi theo quy trình có nhiều nước, quét lại nước thứ 2 thôi, màu sắc không thay đổi. Quét vôi luôn có nước lót màu trắng và 2 nước màu. Phần công trình chính màu đã hoàn thiện sẽ không quét thêm".

Trước đó, diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), khiến cây cầu trở nên lạ lẫm so với trước đây.