Cố đô Huế và 20 năm Di sản văn hóa thế giới

(Dân trí) – Ngày 22/9, tỉnh TT-Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích cố đô huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới và 10 năm Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay

Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay
 
 

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế tại buổi lễ đã nêu lại những quá trình khó khăn để có được danh hiệu cao quý của UNESCO trao tặng, đồng thời những thành tựu đạt được sau 20 năm là di sản thế giới.

Cụ thể từ năm 1996 đến hôm nay, với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng, đã có gần 100 công trình hồi sinh, hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, Trường lang, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Lăng Gia Long,  Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, 10 cổng Kinh Thành. Hệ thống sân vườn các di tích được tu bổ hoàn nguyên; hệ thống cơ sở hạ tầng các di tích được đầu tư, không gian hoang phế được thu hẹp.

Song song đó, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng hoạch định và từng bước được bảo tồn, phát huy. Hàng chục nhạc chương, nhạc khúc, vũ khúc cung đình, tuồng cổ đã được chọn lọc và phục hồi. Nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế về bảo tồn Tuồng Cung đình, Nhã nhạc, Di sản văn hoá Hán Nôm... ở Thừa Thiên Huế đã được tổ chức, góp phần bổ sung thêm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của Thừa Thiên Huế. Các chương trình đào tạo nhân lực cho ca múa nhạc Cung đình và dân ca Huế đã được chú trọng.

Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay

Múa Lục cúng hoa đăng tại buổi lễ - một phần trong Nhã nhạc cung đình Huế, Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Các dự án giải tỏa dân cư Kinh thành - Eo bầu, Hộ Thành Hào, sông Ngự Hà; triển khai các chương trình bảo tồn hệ thống sông, hồ trong các di tích; di chuyển các nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu vực Kinh Thành Huế; xây dựng các tuyến đường tránh để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến độ bền vững của các di tích

“Nhờ 2 di sản là quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình mà du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Minh chứng cụ thể nhất là quần thể di tích Cố đô Huế từ chỗ chỉ đón hơn 200.000 lượt khách năm 1993 với doanh thu 4 tỷ đồng, đến nay số lượng khách đã tăng lên hơn 2 triệu lượt người, với doanh thu hơn một trăm tỷ đồng” – ông Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh.

Video Biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại lễ kỷ niệm:


Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, người ta thường nói Huế là thành phố của Lễ hội và quả thực đúng như vậy. Các lễ hội ở Huế được tổ chức 2 năm một lần mà bản thân tôi đã được tham dự 2 lần, chính là minh chứng cho nét văn hóa phong phú và đang dạng của Thừa Thiên - Huế.

Quần thể Di tích Cố đô Huế có một cuộc đời khá phức tạp. Trong một thời gian dài, Huế luôn là một chủ đề thảo luận trong các hội nghị của Ủy ban Di sản thế giới. Là một di sản văn hóa, Huế đã phải đối mặt với nhiều thách thức – từ những vấn đề bảo tồn đến đô thị hóa, từ phát triển hạ tầng đến sức ép du lịch, từ việc không có một kế hoạch quản lý hoàn chỉnh đến tính hiệu quả của đường ranh giới bảo vệ khu di tích.

Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam lưu ý Huế cần có nội dung quản lý du khách, giảm thiểu rủi ro thảm họa cho di sản Huế

Tôi rất vui mừng khi biết rằng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được UBND tỉnh phê chuẩn kế hoạch xây dựng Kế hoạch Quản lý di sản thế giới Quần thể Di tích Cố đô Huế. Tôi cũng mong rằng kế hoạch mới này sẽ phát huy hiệu quả và tính thiết thực của nó, và kế hoạch này sẽ bao phủ toàn bộ Thung lũng Sông Hương, theo như khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới.

Qua đây, bà Katherine cũng lưu ý: “Như các quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham gia công tác báo cáo định kỳ lần thứ 2 về tình hình thực hiện Công ước di sản thế giới đã nhấn mạnh, kế hoạch quản lý của các khu di sản thế giới cần phải khắc phục một cách hệ thống những ảnh hướng đối với di sản cả do con người lẫn thiên nhiên gây ra. Đặc biệt, kế hoạch này cần có nội dung về quản lý du khách và giảm thiểu rủi ro thảm họa, những khía cạnh được xem là ưu tiên và quan ngại hàng đầu trong khu vực”.

Với rất nhiều quan tâm đến thành phố di sản Huế, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Các giá trị di sản thế giới Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn, trao truyền cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau và là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của một điển hình kiến trúc “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường.

Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trao bằng khen Chính phủ cho TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Tỉnh nhà phải ngày càng phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, góp phần xây dựng một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương”.

Với những thành tích không biết mệt mỏi của Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng bằng khen cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có thành tích trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, nhiều cá nhân, tập thể góp công sức trong công tác bảo tồn di tích Huế cũng được tỉnh TT-Huế tặng bằng khen ghi nhận.

Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay

Những nhân tố góp phần cho di tích Huế phát triển, cũng như là những "viên gạch" đầu tiên xây nên di sản văn hóa vật thể Huế đã được vinh danh
Lễ kỷ niệm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc sáng nay
Cụ Lữ Hữu Thi, (103 tuổi) "báu vật sống" của Âm nhạc cung đình Huế - nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng của đội Tiểu nhạc thời vua Bảo Đại chống gậy lên sân khấu nhận bằng khen

Đại Dương