1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chuyên gia Lê Quốc Vinh ra sách xử lý khủng hoảng truyền thông

Lạc Thành

(Dân trí) - Tác giả Lê Quốc Vinh vừa ra mắt cuốn sách "Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông". Đây là cẩm nang được tích lũy qua hàng loạt dự án quản trị khủng hoảng anh đã thực hiện.

Chiều 21/6, cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông của tác giả Lê Quốc Vinh chính thức ra mắt bạn đọc.

Chuyên gia Lê Quốc Vinh ra sách xử lý khủng hoảng truyền thông - 1

Tác giả Lê Quốc Vinh tại sự kiện (Ảnh: Ban Tổ chức).

Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, tác giả đã trực tiếp đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng lan truyền trên truyền thông. Toàn bộ những tri thức, bài học quý báu trong hành trình ấy đã được đúc kết trong cuốn sách này.

Chia sẻ về dự án sách đã ấp ủ suốt 2 năm, tác giả Lê Quốc Vinh cho hay ông muốn đề cập đến những nguyên tắc gốc rễ, triết lý căn bản, mang tính quản trị chiến lược, hơn là những mánh lới, kỹ thuật tác động hời hợt trên bề mặt truyền thông, kỹ năng quan hệ hay những chiêu trò truyền thông nào đó. Cuốn sách là triết lý khác về xử lý khủng hoảng, làm nền tảng cho hoạt động quản trị thương hiệu.

Theo tác giả, nếu hiểu khủng hoảng chỉ xảy ra ở trên các phương tiện truyền thông thôi thì sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm.

"Rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần gỡ bỏ hoặc khỏa lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng đã xử lý xong. Nhưng không phải thế, những hành vi hoặc thái độ gây nên khủng hoảng vẫn nằm đâu đó trong trí não công chúng, thậm chí lan truyền như cơn sóng ngầm, phá nát uy tín doanh nghiệp. Chưa hết, cái cách xử lý khủng hoảng như vậy sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về sau, tiêu hủy niềm tin từ công chúng, cộng đồng," ông Lê Quốc Vinh nói.

Theo tác giả Lê Quốc Vinh, những phương pháp xử lý khủng hoảng bằng cách ngăn chặn thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo chí và truyền thông, không những không mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp, mà còn chứa đựng nhiều hệ lụy dài lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và cả niềm tin của công chúng.

Nguyên nhân cơ bản của sai lầm này đến từ nhận thức sai lệch về PR - quan hệ công chúng - với tư duy rằng PR là tạo ra vầng hào quang lấp lánh cho doanh nghiệp và cá nhân trên các phương tiện truyền thông, trong khi bản chất của nó chính là quản trị mối quan hệ tích cực giữa thương hiệu và các nhóm đối tượng liên quan.

Cách hiểu phiến diện về vai trò của PR khiến nhiều người nghĩ đơn giản rằng, xử lý khủng hoảng nghĩa là chỉ cần không xuất hiện thông tin tiêu cực về thương hiệu trên báo chí, truyền thông là đủ. Với sự phát triển của truyền thông số và những mạng xã hội quyền lực, những kênh truyền thông mới, những ứng dụng mạng xã hội len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, nếu vấn đề không được giải quyết tận gốc, đó có thể là mầm mống của một cuộc khủng hoảng lớn hơn. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói, cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông đầy ắp những câu chuyện mà anh gặp phải khi đi xử lý khủng hoảng cho các doanh nghiệp. Cuốn sách không chỉ là những lý thuyết mà có nhiều phương pháp cụ thể mà anh tích lũy 10 năm nay.

"Ngay trước khi tôi đi ra mắt cuốn sách, tôi nhận được điện thoại của một doanh nghiệp nhờ giải quyết khủng hoảng cho họ. Những cuộc điện thoại thế này xảy ra hàng tuần, nhưng thái độ của những người gọi điện khác nhau: Có người hoảng loạn, có người quát mắng, có người ra lệnh... cho tôi để yêu cầu giúp đỡ.

Là một người có khả năng hỗ trợ họ, tôi buộc phải giúp khách hàng bình tĩnh lại. Nhiều người đã nói với tôi: "Bọn em đang nước sôi lửa bỏng mà sao anh bình tĩnh thế?". Nhưng nếu đủ tỉnh táo, bình tĩnh để phân biệt các tình huống mới giải quyết được vấn đề khủng hoảng", ông Vinh chia sẻ. 

Theo ông  Lê Quốc Vinh, không có kịch bản cụ thể nào cho việc xử lý khủng hoảng, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần trung thực, không được giấu giếm thông tin. Thậm chí, phải mở các cuộc điều tra để hiểu thấu đáo vấn đề xảy ra thì doanh nghiệp và người hỗ trợ mới ngồi lại được với nhau.

Về vai trò của người làm truyền thông, tác giả Lê Quốc Vinh nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để có cái nhìn đa chiều và khách quan.

"Người làm truyền thông cũng như luật sư vậy. Công việc của anh ta không phải là biến không thành có, đổi trắng thay đen, mà là giúp cho những người cầm cân nảy mực có đầy đủ thông tin khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng, không làm trầm trọng hơn thực tế lỗi của doanh nghiệp, càng không thể để doanh nghiệp bị hàm oan vì những cáo buộc không đúng", ông Lê Quốc Vinh nói.

Chuyên gia Lê Quốc Vinh ra sách xử lý khủng hoảng truyền thông - 2

Cuốn sách "Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông" của tác giả Lê Quốc Vinh (Ảnh: Lạc Thành).

Sự kiện ra mắt sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông được tổ chức đúng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 thu hút sự quan tâm của các nhà báo, chuyên gia trong ngành, lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành, được mở bán chính thức từ ngày 24/6.