Bùi Thạc Chuyên: “Không có chuyện làm phim thương mại là dễ dàng”
(Dân trí) - Đạo diễn của <i>Chơi vơi</i> cho biết anh cực kỳ sợ ma sau một đêm nghe chuyện ma liên tục hồi nhỏ. Đã nghe hàng trăm câu chuyện ma, trí tưởng tượng muốn nổ tung. Nhưng nhờ đó mà anh có đủ dữ liệu để làm phim <i>Lời nguyền huyết ngải</i>.
Đạo diễn nổi tiếng “kén phim” Bùi Thạc Chuyên cho biết, anh rất hứng thú khi làm Lời nguyền huyết ngải bởi nó cho anh thỏa sức tái hiện câu chuyện khiến trí tưởng tượng muốn nổ tung. Và chắc chắn khán giả sẽ bất ngờ với một phong cách Bùi Thạc Chuyên hoàn toàn mới, trái ngược hẳn với Chơi vơi.
Vào dịp Tết 2012 này, bộ phim ma, kinh dị “Lời nguyền huyết ngải” của anh sẽ được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc. Nó có gì khác với những phim Việt Nam trước đây được quảng cáo là kinh dị mà khán giả thấy cũng… không kinh dị lắm không?
Tôi nghĩ mọi người đã hơi nhầm lẫn khi hình dung về bộ phim. Lời nguyền huyết ngải không phải là phim kinh dị!
Kinh dị (horror) là thể loại phim nhất thiết phải có bạo lực, máu me giết chóc ghê rợn, như thế mới đủ làm cho khán giả sợ hãi. Có 2 lý do lớn để một bộ phim kinh dị đúng nghĩa khó được thực hiện tại Việt Nam. Một là vấn đề về kiểm duyệt. Người làm phim Việt Nam vẫn phải né tránh những yếu tố bạo lực và những yếu tố có thể bị coi như mê tín dị đoan. Hai là tài chính. Một bộ phim kinh dị máu me đòi hỏi kỹ xảo nhiều mà tiền đầu tư cho một phim Việt Nam chưa thể đủ để làm kỹ xảo tốt được. Vì thế, trong quá khứ có nhiều phim Việt được quảng cáo là kinh dị mà không kinh dị lắm.
Hiểu rõ vấn đề này nên với Lời nguyền huyết ngải, tôi chọn cách thực hiện một bộ phim mang nhiều màu sắc huyền bí chứ không kinh dị. Điểm mạnh của bộ phim là một câu chuyện hấp dẫn, tò mò, cuốn hút và bất ngờ đến phút cuối cùng.
Vậy anh xác định thể loại phim của “Lời nguyền huyết ngải” là gì?
Có thể coi nó như một bộ phim có chất trinh thám huyền bí, kiểu như khám phá kho báu hay đi tìm mộ cổ. Có lẽ đây cũng là một thể loại phim hiếm gặp ở Việt Nam. Khán giả sẽ hồi hộp cùng với những cuộc phiêu lưu của nhân vật chính, sợ hãi cùng những mối nguy hiểm của anh ta, bàng hoàng trước những bí mật kinh hoàng được tìm thấy.
Mọi người cứ quan niệm phim ma phải sợ dựng tóc gáy, la hét kinh hoàng thì mới hay. Nhiều phim ma, kinh dị làm theo hướng đó, đầy xác chết, máu me. Nhưng tôi nghĩ Tết là thời điểm đặc biệt trong năm, mọi người không muốn bị ám ảnh bởi những chuyện kinh hoàng, xui xẻo.
Thể loại huyền bí, trinh thám có cái hay là nó vẫn cho người ta cảm giác lạ, vô cùng hồi hộp, bất ngờ, nhưng về hình ảnh thì lại không rùng rợn mà có thể rất đẹp. Khán giả đừng nên chờ đợi ở Lời nguyền huyết ngải những pha sợ đứng tim kiểu như bị dọa ma, hù một cái rồi thôi. Hãy hình dung bạn chợt khám phá một bí mật, nó cứ từ từ hé mở, lớn dần, nguy hiểm dần, làm trí tưởng tượng bị kích động không ngừng và nỗi hồi hộp cứ tăng mãi lên.
Các đạo diễn giỏi thường không thích lặp lại chính mình, mỗi bộ phim mới của họ đều kỳ vọng là một bất ngờ lớn cho khán giả. Điều bất ngờ, mới mẻ gì khán giả có thể chờ đợi ở anh với “Lời nguyền huyết ngải”?
Dễ hiểu nhưng vẫn li kỳ và hấp dẫn! Sau phim Chơi vơi, nhiều khán giả coi tôi là đạo diễn của những bộ phim chậm chạp, nặng nề và khó hiểu. Giờ đây chắc chắn họ sẽ bất ngờ khi xem phim này.
“Cuốc xe đêm”, phim ngắn đầu tay giành giải thưởng ở LHP Cannes của anh cũng khá ma quái với anh xích lô bị thuê chở xác bà già để vứt đi trong đêm. Bây giờ là “Lời nguyền huyết ngải”. Vì sao anh lại hứng thú với đề tài ma? Anh có tin vào sự huyền bí trong thế giới hiện đại này không?
Nói thật là tôi rất thích những câu chuyện có yếu tố tâm linh. Vì chúng ta đang sống ở phương Đông đúng không? Ở đây mỗi gốc cây ngọn cỏ đều có linh hồn. Con người không chỉ bị chi phối bởi những gì diễn ra trong thực tại mà đa số chúng ta tin rằng mình đang sống và bị điều khiểu bởi thế giới của sự chết vô hình không hiện hữu. Vì thế mới có câu “Người ta sống vì mồ vì mả, không ai sống vì ruộng cả ao liền”.
Những câu chuyện ma với tôi vô cùng hấp dẫn. Ngày bé, tôi có lần bị người lớn dọa bằng cách kể chuyện ma cho nghe suốt buổi tối. Tôi đã nghe hàng trăm chuyện ma. Trí tưởng tượng của tôi muốn nổ tung. Tôi sợ nhưng vẫn muốn nghe tiếp. Những câu chuyện đó đã ám ảnh tôi nên thực sự tôi sợ ma đến tận bây giờ.
Trong khi nhiều đạo diễn trẻ mỗi năm ra một phim thì đến nay, anh chỉ mới làm tổng cộng có 3 phim nhưng tất cả đều dành những giải thưởng lớn quốc tế, trong đó có cả giải ở LHP Cannes và Venice. Nổi tiếng là một đạo diễn “kén phim” như vậy, vì sao lần này anh lại làm một bộ phim giải trí?
Tôi vẫn kén phim đấy chứ. Lời nguyền huyết ngải là một bộ phim được làm với mục đích chạm đến số đông khán giả và tôi đã thực sự kén phim khi quyết định theo đuổi dự án này. Điều này thể hiện ở chỗ tôi đã bỏ ra hơn một năm rưỡi không làm gì chỉ để viết kịch bản. Rồi gần một năm để quay và làm hậu kỳ cho đến khi hoàn thiện. Một bạn đồng nghiệp hỏi tôi là: “Không hiểu làm thế thì anh sống bằng gì?” (Cười lớn) Như thế không là “kén phim” thì là cái gì?
Anh có sợ rằng bộ phim không thành công sẽ làm mất uy tín cái tên Bùi Thạc Chuyên không?
Khi bắt tay vào một dự án, điều quan trọng không phải là mình có sợ hay không mà quan trọng là dự án này có đủ hấp dẫn để đi tiếp hay không. Đây là một dự án mà tôi thấy rất hấp dẫn. Nó mang lại cho tôi sự tưởng tượng không có giới hạn. Đòi hòi đơn giản dễ hiểu lại hấp dẫn thực sự là một trò thách đố cực thú vị mà tôi muốn tìm lời giải.
Với một đạo diễn tài ba như anh, làm một bộ phim giải trí có phải mất nhiều công sức như phim nghệ thuật không hay nó chỉ là một cách xả stress cho vui sau khi căng thẳng, nghiêm túc làm nghề với “Chơi vơi”?
Cực kỳ mất công và khó nhọc. Khó nhọc hơn tôi tưởng nhiều. Chúng tôi đã quay phim trong 40 ngày nhưng trong đó có 37 đêm từ 4 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Liên tục thức đêm như thế nên đến cuối giai đoạn quay, mọi người gần như kiệt sức. Cả tôi cũng vậy. Làm gì có chuyện làm phim thương mại là dễ dàng, như một sự thư giãn, xả stress? Quan niệm đó là rất sai lầm. Thậm chí quay xong phim này, mệt quá, tôi phải đi xe máy lên rừng để xả stress.
Ngoài ra áp lực khá lớn nữa. Vì tôi đang tiêu tiền của người ta bỏ ra, những đồng tiền thực sự chứ không phải là tiền nhà nước hay tiền tôi đi xin tài trợ được như những phim trước. Mình phải có trách nhiệm.
Kỷ niệm nào đáng nhớ với anh trong quá trình làm phim?
Chúng tôi quay phim vào tháng 3, Hà Nội rét kinh khủng. Trong đoàn có những anh em trong tổ ánh sáng từ miền Nam ra không có đủ quần áo rét, lại không quen chịu lạnh. Thế là những người ở Hà Nội đã về nhà mang quần áo ấm của mình đến cho các đồng nghiệp miền Nam. Chúng tôi đã thực sự “nhường cơm xẻ áo” trong phim này.
Tôi cũng không thể quên tinh thần làm việc của anh Thành Lộc. Trong khi những người khác phải làm việc 12-15 tiếng mỗi ngày thì anh Lộc và Lan - chuyên gia hóa trang phải làm việc nhiều hơn, từ 16-18 tiếng vì anh Lộc phải đến trước mọi người 2 tiếng để hóa trang phức tạp và phải ở lại muộn hơn 1 tiếng để tẩy trang. Rồi câu chuyện về những người diễn viên khác bị tôi “ hành hạ” trong từng ấy ngày đêm. Tôi thực sự rất cảm ơn mọi người đã cùng chia xẻ với tôi cái “máu” hoàn hảo trong bộ phim này.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
Tường Anh