Bùi Công Duy đột phá với hai đêm diễn để đời

(Dân trí) - Vào sinh nhật lần thứ 75 của mình, nghệ sĩ violin huyền thoại Joseph Joachim từng nói: “Người Đức có bốn bản violin concerto. Vĩ đại nhất, quyết đoán nhất là của Beethoven. Tác phẩm của Brahms thì cạnh tranh với chính nó trong sự nghiêm trang. Lộng lẫy, quyết rũ nhất là tác phẩm được viết bởi Max Bruch. Nhưng tác phẩm nội tâm nhất, viên ngọc của trái tim - là của Mendelssohn”.

Hai đêm diễn tối ngày 25 và 26/10/2017 vừa qua là hai đêm diễn đáng nhớ đối với nền nghệ thuật biểu diễn âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Lần đầu tiên một nghệ sĩ biểu diễn liên tục 4 violin concerto hay nhất của nước Đức. Đối với Bùi Công Duy, có lẽ đây là một buổi diễn đặc biệt để kỷ niệm 20 năm ngày anh đoạt giải Tchaikovsky cho nghệ sĩ trẻ năm 1997 và 10 năm kể từ khi anh về nước vào năm 2007.


Ảnh: James Quang

Ảnh: James Quang

Việc chơi 4 bản concerto khác nhau liên tiếp không phải là một điều đơn giản. Bởi đây là 4 tác phẩm cho violin nổi tiếng nhất của nền âm nhạc cổ điển Đức, đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc cũng như kỹ thuật tinh tế. Để biểu diễn 1 bản conerto đòi hỏi công sức lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc, vì nó tốn rất nhiều trí lực của nghệ sĩ không những để thuộc tác phẩm mà còn phải thay đổi liên tục các trạng thái cảm xúc khác nhau trong khi biểu diễn. Ngoài ra nếu thể lực của nghệ sĩ không tốt sẽ rất đuối sức và xảy ra sai sót. Vì vậy các nghệ sĩ violin trên thế giới thường chỉ biểu diễn duy nhất 1 bản concerto trong 2 đêm diễn. Trình diễn liên tục 4 conerto gần như là một việc không tưởng và khá mạo hiểm vì nó cần một năng lượng gấp 4 lần bình thường.

Nhìn vào việc sắp xếp chương trình, có thể thấy Duy khá khôn ngoan trong việc sắp xếp thứ tự biểu diễn. Anh đưa Mendelssohn lên trình diễn đầu tiên. Đây là bản concerto mà Duy yêu thích nhất, vì vậy anh sẽ thấy tự tin hơn khi trình diễn. Độ dài của tác phẩm vừa phải, không quá dài, rất thích hợp để khởi động trước 3 tác phẩm lớn còn lại.

Violin Concerto của Mendelssohn là một tác phẩm đặc biệt, nó không tuân theo trình tự như một bản concerto thông thường. Thay vì đoạn mở đầu của dàn nhạc, tác phẩm bắt đầu bằng đoạn solo violin da diết, đây cũng là một trong những đoạn violin solo lãng mạn nhất của âm nhạc cổ điển mà các nghệ sĩ sử dụng để lôi cuốn người nghe. Người nghe có đôi chút bất ngờ khi Bùi Công Duy chọn nhịp chậm hơn bình thường, một nhịp điệu khá an toàn, không quá chậm để làm người nghe buồn chán, nhưng không quá nhanh để tốn nhiều sức cho một concerto mở màn. Có lẽ Duy cũng đã cân nhắc khá kỹ khi chọn tempo như vậy.


Ảnh: Việt An

Ảnh: Việt An

Khó có thể cưỡng lại sự quyến rũ của tiếng đàn, khi van xin khẩn khoản, khi thiết tha nồng nàn, lúc sôi nổi mãnh liệt, lúc lại trách móc, hờn dỗi. Duy thể hiện tất cả những chi tiết đẹp nhất của một concerto điển hình của trường phái lãng mạn. Violin Concerto của Mendelssohn không có nghỉ giữa các chương như các concerto khác. Bùi Công Duy khéo léo sử dụng điều này để thay đổi cảm xúc của thính giả. Sự bùng nổ của chương I kết thúc nhường lại cho âm thanh tươi sáng của sự thanh bình, niềm vui của tuổi trẻ của chương II. Trong đoạn chuyển sang chương III, tất cả những xao xuyến của chương trước biến mất trước sự sôi nổi, tươi mát của mùa xuân, nhiệt tình của tuổi trẻ đầy sức sống. Bùi Công Duy liên tục đưa khán giả chìm trong các cung bậc cảm xúc khác nhau

Bước sang Concerto của Beethoven, được ví như một tác phẩm điển hình cho nghệ thuật trình diễn violin, không chỉ bởi những khó khăn về kỹ thuật mà còn ở sự sâu sắc của nội dung, đòi hỏi mức độ trưởng thành của nghệ sĩ biểu diễn. Không như concerto của Mendelssohn, concerto của Beethoven tuân theo cấu trúc chặt chẽ theo hình thức sonata, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa nghệ sĩ violin và dàn nhạc. Đây là tác phẩm mà Bùi Công Duy sử dụng để thể hiện sự sâu sắc trong việc cảm nhận âm nhạc, sau khi đã trình diễn khả năng kỹ thuật với concerto của Mendelssohn.

Chương I của tác phẩm mang đầy tính sử thi, rất phong phú về giai điệu. Âm nhạc điềm đạm, trầm tĩnh, khúc chiết, có đôi chút kiềm chế cảm xúc của người nghệ sĩ cao thượng. Chương II hiện ra bằng những âm thanh trong sáng, được thể hiện qua tiếng đàn có chút suy tư mơ mộng của một thanh niên trẻ vừa bước vào cuộc đời. Sự trữ tình này vẫn được giữ trong chương cuối, và người nghe được Bùi Công Duy đưa vào một buổi lễ hội nhảy múa vui tươi, đầy màu sắc nhưng trong đó vẫn có giai điệu du dương, quyến rũ của chàng thanh niên trong chương trước. Buổi biểu diễn lẽ ra sẽ hoàn hảo hơn nếu dàn kèn đồng của dàn nhạc không bị lạc nhịp, nhưng đây có lẽ cũng là một trong những thử thách với nghệ sĩ solo. Duy thể hiện sự bình tĩnh để nhanh chóng giành quyền lĩnh xướng dẫn dắt dàn nhạc trở lại nhịp điệu cùng sự điều khiển của nhạc trưởng Honna.

Nếu hai tác phẩm của đêm thứ nhất là để nghệ sĩ phô diễn kỹ thuật, thăng hoa cùng các cảm xúc thì đêm thứ hai lại là âm nhạc của sự uyên bác và sâu sắc, người nghệ sĩ không những cần kỹ thuật mà phải có thêm sự trải nghiệm, hiểu biết vì đây là hai tác phẩm có chiều sâu về nội dung.

Mở màn cho đêm thứ hai là Concerto của Bruch, một trong những tác phẩm quan trọng trong danh mục trình diễn của các nghệ sĩ violin. Đây cũng là sự sắp xếp khá hợp lý khi độ dài của tác phẩm khoảng gần 30 phút, vừa đủ để mở đầu đêm diễn trước một tác phẩm lớn hơn về quy mô của Brahms. Khá tương đồng với tác phẩm của Mendelssohn, chương I mở đầu với sự dẫn dắt của nghệ sĩ solo. Bùi Công Duy đã tận dụng điều này để dẫn dắt cảm xúc của thính giả ngay từ đầu tác phẩm. Cách chơi của người nghệ sĩ Việt Nam này bình tĩnh, điềm đạm và quyết đoán khiến người nghe tập trung tuyệt đối vào tác phẩm trong 2 chương đầu. Bruch đã khéo léo tạo ra một mạng lưới âm thanh quay xung quanh chủ để chính đầy chính trữ tình trong chương I, xen kẽ những âm thanh hơi lo âu, khắc khoải của dàn nhạc rồi nhẹ nhàng chuyển sang chương II với những giai điệu dịu dàng như một ốc đảo yên bình sau cơn bão.

Cao trào của tác phẩm diễn ra ở chương III, được bắt đầu trong sự hồi hộp yên lặng của dàn dây, bỗng bị phá vỡ bởi tiếng đàn violin với tiết tấu mạnh mẽ cùng các điệu nhảy sôi động, được hỗ trợ bởi giai điệu trữ tình của dàn nhạc đưa người nghe đến các trạng thái tinh thần khác nhau

Đêm diễn kết thúc với concerto của Brahms, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Toàn bộ tác phẩm sáng ngời lên tình yêu cuộc sống, con người và thiên nhiên, ẩn chứa trong tác phẩm là tính kịch tính. Âm nhạc của Brahms rất đặc biệt, đòi hỏi nghệ sĩ biểu diễn phải có thể lực tốt. Bùi Công Duy phải đối diện thử thách một tác phẩm lớn khi ngay chủ để chính cho violin của chương I biến đổi không ngừng: lúc mang âm hưởng đồng quê, khi đầy tính anh hùng cả, khi kết thúc lại dịu dàng, thanh bình. Chương II Bùi Công Duy tạm nghỉ để nhường chỗ cho một trong những đoạn solo đẹp nhất của kèn oboe. Ngay sau khi oboe chấm dứt, tiếng đàn của Duy nhanh chóng tiếp nối cuốn hút người nghe vào giai điệu đầy chất trữ tình, uyển chuyển, liên tục.

Chương cuối concerto của Brahms có một sự tương đồng với concerto của Bruch, mở đầu bằng giai điệu mạnh mẽ, mang âm hưởng dân ca Hungary. Tiếng đàn của Duy như một tia sáng bùng sáng xé tan âm hưởng trữ tình cuối chương II, đưa người nghe đến một thế giới đầy màu sắc, rực rỡ. Tuy nhiên đâu đó vẫn có những nét nhạc dịu dàng mang tính đồng quê, tựa như một ốc đảo yên tĩnh đứng giữa giông tố đang nổi sóng.

Khi những nối nhạc cuối cùng kết thúc, khán phòng như bùng nổ trong tiếng vỗ tay không ngừng của khán giả. Thưởng thức liên tục 4 concerto lớn chỉ riêng đối với thính giả có lẽ cũng đã khá mệt chứ chưa nói đến các nghệ sĩ biểu diễn. Các thính giả nước ngoài cũng đánh giá rất cao buổi trình diễn khi liên tục hô vang “Bravo” khắp khán phòng, điều hiếm khi xảy ra tại các buổi hòa nhạc ở Việt Nam.

Hoàng Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm