1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bánh đúc - Dân dã từ cái tên

(Dân trí) - Lâu lâu có dịp thưởng thức một món quà thanh đạm, bình dị như bánh đúc, người ta thấy mình như cũng nhẹ nhõm hơn!

Bánh đúc - món ăn dân dã, mộc mạc mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước ngày nay vẫn còn hiện diện từ các chợ quê ra đến thành thị, trên những mâm cơm gia đình, trên bàn thờ tổ tiên ngày giỗ, ngày Tết, thậm chí còn có mặt trong cả ngày lễ thôi nôi của con trẻ ở một số vùng quê.

Bánh đúc
Bánh đúc

Bánh đúc có gì đâu ngoài gạo pha với ít vôi tôi. Một hòn vôi nhỏ, bỏ vào nước cho tan, đánh đều, để lắng rồi gạn lấy nước trong. Gạo được vo, đãi cho sạch và ngâm trong nước ấy cho đến khi bóp hạt gạo thấy bở tơi. Sau đó gạo được đem xay lẫn với nước cho thật mịn rồi để lắng.

Nồi được láng một chút mỡ nước để bột không dính đáy. Đổ bột vào, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, dùng đũa cả khuấy thật đều và liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi cho đến khi bột trong nồi đặc sệt lại, trong mượt, hớt một đũa bột lên thấy bột chảy xuống từng màng thì tắt lửa. Để nồi trên bếp om tro một lát rồi đổ ra mẹt tre có lót lá chuối sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh tròn nhỏ. Bánh nguội, mặt bánh láng bóng, mềm mịn, không cứng cũng không nhão, dùng dao cắt hoặc bẻ ăn không dính tay. Với cách làm không quá khó đó, ở bất kỳ miền quê nào người ta cũng có thể biết đến hương vị của món quà quê ấy với nhiều biến thể khác nhau.

Có thể ăn bánh đúc chấm với nước mắm cáy, mắm tôm, mắm cua đồng pha với chanh, ớt hoặc chấm tương, nước kho cá, nước kho thịt, ăn kèm với canh riêu cua ghém rau thơm... Khi ăn, thấy phảng phất mùi thơm lá chuối và mùi vôi trầu. Hương vị của từng loại nước dùng chấm hoặc chan đều tôn lên cái ngon đặc trưng của bánh đúc: mát, mịn, giòn tan, ngầy ngậy mà không hề béo.  

Người ta có thể ăn bánh đúc đến no, chẳng thế mà dân gian có câu: “Bánh đúc cá kho, bán bò trả nợ”.

Xuyến Chi - Khánh Hồng