Ánh Tuyết - Sống và hát
Chương trình ca nhạc Sống và hát, kỷ niệm 35 năm đi hát không phải là live show đầu tiên của ca sĩ Ánh Tuyết, nhưng ở Sống và hát, Ánh Tuyết sẽ đưa khán thính giả trở về dòng sông Hoài (Hội An) tuổi thơ của chị và chúng ta sẽ đi cùng chị qua những tháng năm gian khổ trên bước đường ca hát.
Tiết “mèo” bên dòng sông Hoài
Thật ra, 35 năm ở đây được hiểu như một khái niệm hơn là sự đo đếm chính xác của ngày tháng. Thoạt đầu, Ánh Tuyết định chỉ tính ngược về 30 năm thôi, nhưng bạn bè chất vấn, “bộ muốn quên những người xưa cũ từng dìu bước cho đi sao” nên chị đành phải lùi lại năm năm nữa.
Đó là lúc cô bé Tiết còm nhom có biệt danh là Tiết “mèo”, thường phụ mẹ bán cơm ven sông (nên còn có tên là Tiết “cơm”), hay thả hồn theo những giấc mơ xa xôi, lúc gọi đến tên thường sững người ra (nên cũng còn có biệt danh là Tiết “sững đưng”...) ra sân khấu hát đơn ca. Năm đó, Tiết mới lên tám và được biết đến như giọng ca vàng của Ban ca Tuổi Thơ thị xã Hội An. Năm lên 12 tuổi, Tiết đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi toàn miền Nam. Vừa đi học, vừa lo phụ mẹ bán cơm, mãi đến năm 17 tuổi, Tiết mới đặt được một chân vào ước mơ “triền miên” của mình, trở thành ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Quảng Nam – Đà Nẵng.
Một năm được ra khỏi “cái ao nhà mình” trở về, bé Tiết “mèo” ngày nào như lột xác trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp nhưng đi hát lâu nay mà chưa có nghệ danh. Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, người dìu dắt bé Tiết trong Ban ca Tuổi Thơ, bèn buột miệng nói ngay cái tên chợt hiện ra trong đầu ông: Ánh Tuyết, với hàm ý mong muốn sự nghiệp của cô học trò của mình sẽ mãi rực rỡ, sáng trong.
Lận đận “tôi đi tìm tôi”
Ánh Tuyết được cử đi học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Huế và năm 1983, khi chưa kịp tốt nghiệp, chị đã đoạt giải nhất đơn ca nữ trong Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, được tổ chức tại TPHCM (giải nhất nam ca sĩ cùng trong cuộc thi này là Tạ Minh Tâm). Sau Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Quảng Nam – Đà Nẵng, Ánh Tuyết về làm ca sĩ tại Đoàn Hải Đăng (TP Nha Trang) và trở thành là một trong những giọng ca chính đem lại tiếng tăm cho đoàn ca nhạc miền duyên hải này với rất nhiều HCV trong các cuộc thi tài cấp quốc gia.
Sau sáu năm vắt kiệt sức lực, lần nữa, Ánh Tuyết lại rời Hải Đăng vào TPHCM tìm cơ hội mới ở Đoàn Ca nhạc Tháng Tám. Thế nhưng, đất lành để “chim” Ánh Tuyết đậu đúng với sở trường của mình lại là quán Văn Nghệ, một tiệm cà phê nhỏ nằm trên đường Lam Sơn (Bình Thạnh), nơi hiếm hoi hát nhạc tiền chiến.
Đêm đêm, chị phải đạp xe gần 10 cây số mới đến được điểm hát và tiền cát-sê ít ỏi chỉ đủ để uống nước nhưng chị không bỏ một bữa nào. Chị đến đây như đến với người bạn tri âm. Và chính người nghe ở quán Văn Nghệ này đã bắc cầu cho Ánh Tuyết tới với âm nhạc Văn Cao khi ông có mặt trong đêm nhạc đầu tiên của mình tại TPHCM.
Thăng hoa cùng Văn Cao
Mười năm “bắt gặp” âm nhạc Văn Cao đối với Ánh Tuyết chính là mười năm chị tìm ra mình. Ánh Tuyết đây mới đích thực là Ánh Tuyết. Những ai đã từng đắm say với chị trong những đêm nhạc Suối mơ đến Thiên thai, Hội trùng dương... đều sẻ chia sự thăng hoa cùng niềm vui “gặp được mình” sau nhiều chục năm lận đận của ca sĩ Ánh Tuyết.
Trong áng mây mù của những ngày tháng long đong ấy, có một Ánh Tuyết “tỉnh lẻ” rụt rè đến các tụ điểm ngồi chờ, chờ khi các ca sĩ “sao” vì lý do gì đó vắng mặt để được hát thay, chờ nếu chẳng may “sao” đến đầy đủ thì lủi thủi ra về với bụng rỗng vì đêm ấy không có tiền ăn. Bóng đêm ký ức còn có gương mặt lạnh lùng của một vị nhạc sĩ trưởng một đoàn ca nhạc tiếng tăm của TP, trả lời chị mà không thèm nhìn rằng “giọng ca của em cả nước biết là hay nhưng... ngoại hình không phù hợp với đoàn của anh!”.
Thái độ hàm chứa sự khinh miệt của những người quản lý sân khấu ca nhạc thị trường đã nuôi trong lòng Ánh Tuyết ước mơ có một sân khấu riêng cho mình và cho những khán giả của mình, và sự ra đời của phòng trà ATB chính là hiện thân của những ước mơ cháy bỏng ấy.
Ngoài giọng ca chủ lực của bà chủ, phòng trà ATB là nơi quy tụ hầu hết những ca sĩ được đào tạo chính quy ở nhạc viện và tâm huyết với dòng nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao ở người hát cùng thái độ thưởng ngoạn sâu sắc ở người nghe. Suốt những năm qua, để phòng trà này được tồn tại, có nơi để khách “ruột” lui tới, bà chủ Ánh Tuyết đã như sấp ngửa với sự thăng trầm của nó.
Cứ mỗi lần dời địa điểm là mỗi lần “bỏ sông bỏ biển” nhiều trăm triệu đầu tư cơ bản. Địa điểm hiện nay cũng chưa hẳn đã “vượng” vì nằm trên con đường một chiều (Lý Tự Trọng, Q.1) và không thuận lợi cho việc gửi xe. Thế nhưng, suốt năm năm qua, dường như tuần nào cũng đỏ đèn bốn đêm với nhiều chương trình được dàn dựng công phu.
Các ca sĩ cộng tác thường xuyên như Hồng Vân, Vân Khánh, Quỳnh Lan, Xuân Phú, Đức Tuấn,... đều muốn được hát ở đây bởi cảm thấy mình được tôn trọng, được hòa vào với không khí nghệ thuật chuẩn mực, dẫu tiền thù lao vẫn còn quá nhỏ so với nhiều sô diễn “event” ở các chương trình quảng bá tiếp thị hàng hóa khác.
Nhiều Việt kiều cuối năm về ăn Tết quê nhà, thường tìm đến với phòng trà ATB như là một nơi gợi nhớ những cảm xúc của một thời tuổi trẻ gắn bó với quê hương. Cứ mỗi lần dàn dựng một chương trình mới, chị lại nhận được không biết bao nhiêu lời trách móc của bạn bè, khán giả vì khán phòng nhỏ bé luôn quá tải.
Và mặc dù phòng trà luôn đứng mấp mé trên bờ vực của sự... lỗ vốn nhưng gương mặt của bà chủ Ánh Tuyết vẫn luôn tràn đầy hạnh phúc. Lợi nhuận lớn nhất mà phòng trà ATB mang lại cho chị chính là cái lợi về tinh thần, là hiện thân của ước mơ, đã giúp chị khép lại một chuỗi dài những ngày tháng tủi nhục, bị đá văng ra bên lề đời sống âm nhạc.
Theo Người Lao Động