1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ấn tượng vở diễn thực cảnh tái hiện phong tục truyền thống dân tộc Mông

Nhật Phương

(Dân trí) - Festival "Tinh hoa Tây Bắc" năm 2022 là chủ đề lễ hội vừa diễn ra tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Điểm nhấn trong festival năm nay chính là vở diễn thực cảnh "The Mong show".

Vở diễn thực cảnh "The Mong show" khai thác đời sống tinh thần, văn hóa của người Mông tại Lào Cai đã công diễn tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai. Đây chính là bảo tàng Sa Pa, một địa chỉ văn hóa quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế.

Tổng thời lượng của vở diễn kéo dài trong khoảng 35 phút, không có MC dẫn chương trình. Tất cả các mảng nghệ thuật được kết nối nhịp nhàng, khéo léo bằng các phần trình diễn thông qua âm nhạc, hoạt cảnh, nghệ thuật múa, lời ca, tiếng khèn...

Ấn tượng vở diễn thực cảnh tái hiện phong tục truyền thống dân tộc Mông - 1

Chương trình là vở thực cảnh đầu tiên về đời sống sinh hoạt của người Mông cho tới thời điểm hiện tại (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khán giả thay vì ngồi cố định tại một vị trí theo dõi thì sẽ phải vừa đi vừa lắng nghe, quan sát và hòa mình cùng vở diễn thông qua từng lớp sân khấu được bố trí dựa trên địa hình thực tế của bảo tàng Sa Pa. Vì vậy mỗi chương trình giới hạn lượng khán giả khoảng 50 người để đảm bảo ai cũng được trải nghiệm.

Vở diễn được hình thành dựa trên thế giới quan, phong tục và sinh hoạt truyền thống thường ngày của người Mông. Các màn chính trong vở diễn gồm 8 màn lần lượt như sau: Thầy cúng, lò rèn, dệt vải, phiên chợ, say rượu, người Mông về bản, chợ tình, bảo tàng văn hóa Mông.

Khán giả sẽ được hướng dẫn cách thức xem chương trình bằng việc đi theo hướng dẫn của các hướng dẫn viên và tuân thủ việc giữ trật tự tối đa, không quay phim chụp ảnh.

Mỗi khán giả được chào đón bằng những câu chào hỏi bằng tiếng Mông của chính những diễn viên tham gia chương trình, là các thiếu nữ Mông ở độ tuổi 16, 17 tuổi...       

Ấn tượng vở diễn thực cảnh tái hiện phong tục truyền thống dân tộc Mông - 2

Nghi thức xin nước đầu năm của người Mông được tái hiện (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tham dự vở diễn, khán giả sẽ được chứng kiến nghi thức xin nước đầu năm của người Mông, mong một năm mới mùa màng thuận lợi, làm ăn phát đạt.

Khán giả được khám phá nghề rèn dao nổi tiếng của người Mông. Những con dao nhiều kích cỡ lưỡi bằng thép nhíp, cán bằng sừng trâu bao trong chiếc vỏ làm bằng gỗ luôn là sản phẩm du khách tò mò, săn đón, mua về làm quà.

Ê-kíp cũng tái hiện hình ảnh những người phụ nữ Mông chăm chỉ, cần mẫn se lanh, dệt vải. Không gian đang ồn ã bỗng lắng xuống, mở ra thế giới của những tấm vải chàm xanh thẫm, của tiếng khung cửi nhẹ nhàng đưa đẩy... Tất cả dần dần hiện lên theo lời hát và chuyển động của ánh sáng.

Ấn tượng vở diễn thực cảnh tái hiện phong tục truyền thống dân tộc Mông - 3

Khán giả được khám phá nghề rèn dao nổi tiếng của người Mông (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tại không gian này, những tiếng sáo nhẹ nhàng cất lên, hình ảnh bên những sào vải chàm bỗng dần chuyển động. Ở đó ngôn ngữ của cơ thể là điều quan trọng nhất.

Những nghệ sĩ trong ê kíp biên đạo đã dày công tập luyện cùng hơn 20 cô gái Mông đang tuổi trăng tròn để sử dụng những động tác kéo vải, khua tay, từng bước chân, từng ánh mắt... tạo nên bức màn sinh động bên những tấm vải chàm.

Kết thúc màn múa đương đại, cô gái Mông có khuôn mặt như vầng trăng tròn ngày rằm cuốn tấm vải trên mình đưa cho du khách cầm lấy rồi dẫn đoàn người lên tới lớp sân khấu tiếp theo một cách khéo léo.

Hình ảnh phiên chợ vùng cao của người Mông cũng được tái hiện khéo léo thông qua hệ thống đạo cụ thực tế được ê-kíp sưu tầm, thậm chí mượn của chính những bà con tham gia biểu diễn để có được lò nấu rượu ngô, nồi nấu thắng cố hay những bắp ngô treo bên hiên nhà... Tất cả được hòa vào nhau trong không khí tưng bừng, sôi động nhất.

Ấn tượng vở diễn thực cảnh tái hiện phong tục truyền thống dân tộc Mông - 4

Vở diễn thực cảnh "The Mong show" đã công diễn liên tục từ 25 - 28/8 tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai (Ảnh: Ban Tổ chức).

Du khách được mời ngồi vào bếp lửa của người Mông và trải nghiệm không khí với đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Đã từ lâu, hình ảnh chợ tình của Sa Pa in đậm trong tâm trí nhiều du khách nhưng hiếm khi một phiên chợ tình với tiếng thổi lá, tiếng khèn, tiếng nam nữ trêu đùa rồi kéo vợ được hiện hữu ở mảnh đất này.

Ê-kíp sáng tạo đã tái hiện màn kéo vợ khéo léo với gần như toàn bộ diễn viên trên khu vực sân khấu tiếp theo trong những cây đào cổ tại khuôn viên bảo tàng.

Du khách có thể hòa vào giữa phiên chợ thông qua lối đi riêng được bố trí đứng ngay gần các diễn viên, mang đến trải nghiệm khác biệt cho những ai ở xa, ở gần sẽ đều có cảm nhận riêng.

Vở diễn thực cảnh "The Mong show" được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo tại Sa Pa, Lào Cai, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, tạo nguồn lợi cho địa phương cũng như bà con.

Chương trình có sự tham gia của cố vấn kịch bản Hà Văn, tổng đạo diễn NSƯT Thanh Hằng, nhạc sĩ Mạnh Tiến - nhạc sĩ Minh Đức ở vai trò đạo diễn âm nhạc, ê-kíp biên đạo: Phạm Cường - Nùng Văn Minh - My Nguyễn, thiết kế mỹ thuật Lò An Chương, thiết kế ánh sáng Lê Long, trợ lý sản xuất: Tố Uyên - Thanh Tuấn.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia: Hàng A Chua - Lầu Thị Pàng - Dương Hoàng - Trường Nguyễn - Thào A Tùng - Dương Văn Nghĩa - Cường Nguyễn và bà con người Mông sinh sống tại Sa Pa, Lào Cai.