An Giang:
Xem các "siêu đầu bếp" ở chùa đổ bánh xèo nhanh như máy
(Dân trí) - Tại An Giang có một ngôi chùa cực kỳ độc lạ, các "đầu bếp" chẳng qua trường lớp đào tạo nhưng lại có tay nghề đổ bánh xèo siêu đỉnh, cùng một lúc họ có thể đổ tới 12 cái bánh xèo.
Phục vụ bánh xèo chay từ năm 1999
Dù có tên gọi là Thiền viện Đông Lai (tọa lạc tại xã Xuân Hòa, huyện Tịnh Biên, An Giang) nhưng ít người gọi ngôi chùa này với tên chính gốc mà thường gọi tắt là chùa Bánh Xèo.
Sở dĩ có tên chùa Bánh Xèo cũng bởi hơn 20 năm qua nhà chùa đều đặn phục vụ khách đến tham quan, chiêm bái bằng món bánh xèo chay miễn phí.
Nếu trên Chánh điện hương khói nghi ngút, phật tử dâng hoa kính viếng tấp nập thì trong gian bếp "Nhà bánh xèo" cũng đông đúc không kém.
Nhiều du khách cho biết, dù không gian nhà bếp chật chội, ám khói nhưng họ vẫn chấp nhận đứng chờ cả chục phút để được xem các đầu bếp trổ tài đổ bánh xèo.
Cầm dĩa bánh bước ra khỏi "Nhà bánh xèo", chị Nguyễn Huỳnh Như (du khách Vĩnh Long) hí hửng nói: "Chờ đợi hơn 10 phút cuối cùng tôi cũng được thưởng thức bánh xèo. Vỏ bánh mỏng, giòn vàng ươm rất đẹp mắt, bên trong có nhân củ sắn, đậu xanh... ".
Trước khi vào nhà ăn, chị Như còn tấm tắc khen tài nghệ đổ bánh xèo cực đỉnh của các đầu bếp ở đây càng khiến chúng tôi tò mò, quyết tận mục sở thị.
Những "đầu bếp" xuất thân từ xe ôm, thợ hồ...
Theo quan sát, gian bếp nhỏ chưa đầy 10m2 lại là nơi "ra lò" hàng nghìn chiếc bánh xèo chay mỗi ngày. Bếp có 3 cụm lò, mỗi cụm có 10 hoặc 12 bếp lửa đặt chảo tương đương có 3 thợ nấu sẽ đổ bánh cùng một lúc.
Ông Đào Quốc Hận (51 tuổi, ngụ xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang) được biết đến là một trong những "đầu bếp" đổ bánh nhanh - đều - đẹp ở chùa Bánh Xèo.
Đội ngũ làm bánh xèo có hơn 20 thành viên, trong đó nam giới sẽ trực tiếp đổ bánh, pha bột, chẻ củi... Phụ nữ gọt rau củ, xào nhân bánh.
"Mỗi ngày tôi đến chùa lúc 6h sáng nhóm bếp lửa, chuẩn bị bột, nhân khi có khách đến thì đổ bánh. Chúng tôi làm liên tục người này mệt thì đổi ca sang cho người khác, đổ bánh chỉ ngưng khi không còn khách chứ bột bánh lúc nào cũng dư", ông Hận chia sẻ.
Cũng theo "đầu bếp" U60, trước đây chỉ đổ một lượt 2 chảo rồi tăng lên 5 chảo nhưng do khách đến mỗi lúc một đông hiện giờ đã tăng lên hơn 10 chảo.
"Làm lâu thì quen tay chứ không phải cao siêu gì. Quan trọng mình phải biết canh lửa, muốn cho bánh giòn khi múc bột phải xoay đều để bột lan ra rồi đặt lên bếp, lửa phải cháy liên tục khoảng 2-3 phút thì nhấc bếp", ông Hận nói thêm.
Được biết, ông Hận đã gắn bó với bếp bánh xèo gần 20 năm trước đây ông Hận chạy xe ôm mưu sinh hay chở khách đi chùa Bánh Xèo, mỗi lần chờ khách ông cũng hay vào nhà bếp xem thợ đổ bánh, thấy công việc ý nghĩa, tạo công ích nên ông dành thời gian rảnh xin vào chùa đổ bánh xèo. Bây giờ khi con cái lớn và có thu nhập ổn định ông xin vào chùa làm "tình nguyện viên" đổ bánh mỗi ngày.
Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện như ông Hận, anh Hồ Văn Nhẫn (39 tuổi) cũng gắn bó với bếp bánh xèo hơn 13 năm. Anh Nhẫn hiện tại là thợ hồ, vào dịp Rằm hoặc khi rảnh rồi anh hay đến chùa phụ đổ bánh xèo.
Ngồi giữa hơn chục bếp lửa cháy rực, mồ hôi anh Nhẫn tuôn như mưa, chốc lát anh lại lấy tay quẹt mắt vì bị khói làm cay, phía sau lưng có nhiều thực khách vây quanh, cầm dĩa chờ bánh chín.
"Khách đến càng đông chúng tôi càng vui chứ không thấy bực dọc gì cả. Chỉ có lúc đông quá trở bánh không kịp thì có khi khét hoặc bị bỏng do dầu văng trúng hoặc lỡ đụng tay vào chảo", anh Nhẫn bày tỏ.
Được biết, do số lượng khách đến quá đông các "đầu bếp" chẳng đếm được số lượng bánh chính xác mà ước lượng bằng cây bột. Ngày thường bếp sử dụng khoảng 3 cây bột, con số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba vào tháng Giêng, lễ Vu lan hoặc rằm tháng Mười, tương đương có hàng nghìn chiếc bánh xèo "ra lò" mỗi ngày.