Xem bạch tuộc "đi bộ" trên cạn để săn cua
(Dân trí) - Một loài bạch tuộc đặc biệt ở bắc Australia sở hữu hàng trăm giác hút trên xúc tu, qua đó có thể "đi bộ" trên cạn để săn bắt con mồi.
Bạch tuộc vốn là sinh vật biển sống và thở dưới nước. Khi thủy triều xuống, người ta nghĩ rằng chúng có thể sẽ bị "giam cầm" trong những vũng nước trên đá.
Nhưng một loài bạch tuộc đặc biệt ở bắc Australia lại không giống như vậy. Chúng di chuyển linh hoạt trên cạn nhờ sở hữu hàng trăm giác hút trên các xúc tu.
Bắc Australia là nơi có những đợt thủy triều cao nhất trong khu vực nhiệt đới, làm lộ ra những vùng bờ biển rộng lớn. Đây cũng là khu vực cư trú của loài bạch tuộc này. Chúng đã thích nghi với việc lên bờ, săn bắt loài động vật giáp xác cỡ nhỏ như tôm cua hay cá làm thức ăn.
Xúc tu của loài này được ví như những "chiếc chân", di chuyển nhanh nhẹn và linh hoạt. Nó kéo cơ thể bằng cách dùng hàng trăm các giác hút nhỏ nằm trên xúc tu.
Nhờ những giác hút này, bạch tuộc "đi bộ" trên bờ gần như không phát ra tiếng động khiến con mồi khó lòng phát hiện. Khi con mồi xuất hiện, nó sẽ nhanh chóng bám đuổi. Chúng đi từ vùng trũng này sang vùng trũng khác. Những con mồi còn sót trong vũng nước nhỏ khi thủy triều rút xuống chính là miếng ăn béo bở của bạch tuộc.
Được biết, đây là loài bạch tuộc duy nhất có thể làm được điều đó. Ở vũng nước này, ngoài một con cá nhỏ ra không còn gì khác, nó bèn "đi bộ" tiếp sang nơi mới.
Các giác hút của nó cho phép con vật di chuyển lén lút cả trong nước lẫn trên cạn. Nó nhìn thấy một con cua trong tầm ngắm nên vội vàng lao tới. Con mồi không còn cơ hội trốn thoát. Với loài cua, chẳng nơi nào còn an toàn khi bạch tuộc xuất hiện. Vũng nhỏ tưởng chừng yên ả như thế, hóa ra lại là nơi nguy hiểm.
Đoạn video ghi cảnh lên bờ và săn mồi của loài bạch tuộc đặc biệt này do đoàn làm phim của BBC Earth ghi lại, hiện thu hút gần 20 triệu lượt xem.