Xe "bon me" duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam

Diệp Bình

(Dân trí) - Ổ bánh mì có vỏ ngoài giòn rụm, lớp nhân dày mang đủ vị mặn, cay, thơm, béo… đã trở thành món ăn đưa câu chuyện ẩm thực của Việt Nam vươn ra thế giới.

Hành trình của bánh mì Việt Nam

Chen chúc trong dòng người tại Nhà văn hóa thanh niên, ông Wright (du khách Mỹ) cầm trên tay ổ bánh mì giòn rụm đầy thịt khìa, hành ngò, ớt tươi. "Ngon ngoài sức tưởng tượng" - Wright thốt lên, sau khi thử miếng đầu tiên.

Wright cho biết, trước khi đến TPHCM, ông đã nghe đến món bánh mì trứ danh. Món ăn này không còn là món ăn của người Pháp mà được "khoác chiếc áo mới" mang đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Khi thì bánh mì được phết pate, bơ, thêm vài lát thịt ba rọi mỏng, chả lụa, chà bông, lúc lại kết hợp cùng chả cá dai, chiên vàng giòn, còn có loại bánh mì được kẹp cùng xíu mại, thêm tí ngò cho thơm.

Bánh mì có thể tìm được ở góc ngã tư đường, khu chợ bình dân, nép trong con hẻm hoặc giữa cửa hàng khang trang tại trung tâm thành phố. Bằng cách nào đó, bánh mì đã len lỏi trong từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống ẩm thực của người Việt Nam. 

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 1

Quầy bánh mì Sài Gòn năm 1950 (Ảnh tư liệu).

PGS - TS Trần Ngọc Thơ, trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, nửa cuối thế kỷ 19, người Pháp đã mang bánh mì Baguette đến Việt Nam. Đó là loại bánh mì ổ dài, có vỏ giòn, thường được dùng kèm pate, bơ. Bánh mì bắt đầu ở cộng đồng thành thị, lan tỏa ra các vùng nông thôn.

"Bánh mì được lựa chọn bởi tính tiện lợi và linh hoạt. Họ có thể cắp theo bánh mì vào công sở, những ngày mùa bận rộn. Dần dần, người Việt sử dụng các nguyên liệu tại chỗ để kẹp vào bánh mì như thịt, rau thơm, dưa leo", ông nói.

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 2

Bánh mì Việt Nam sử dụng nguyên liệu tại chỗ, mang đến sự đa dạng về màu và mùi  (Ảnh: Ngọc Ngân).

Văn hóa bánh mì phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỉ 20 về sau, bánh mì "sống" được ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang... Đặc biệt, đó là giai đoạn người ta không còn nhiều thời gian để tán gẫu, nhâm nhi bữa sáng, bánh mì trở nên thịnh hành hơn. 

Vị PGS-TS giải thích thêm: "Ví dụ, khi ăn phở, người ta cần có không gian để ngồi lại, phải có tô, muỗng, đũa, gia vị, nước chấm. Tuy nhiên, bánh mì lại khác, dùng rất nhanh, gọn. Theo nhịp sống ấy, bánh mì phổ biến nhất trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách và mở cửa. Đồng thời, những người Việt di dân đến phương Tây đã khiến bánh mì được quảng bá nhiều hơn". 

Ổ bánh mì thuần túy Việt Nam sẽ mang đặc trưng đa dạng mùi vị và màu. Đó là mùi thơm của thịt, xá xíu, beo béo của bơ, mặn của các loại chả. Bánh mì có màu xanh của ngò, hành chẻ đôi, chút đo đỏ của xíu mại, ớt. Đồng thời, người ta vẫn sử dụng hai nguyên liệu có nguồn gốc phương Tây là pate và bơ.

Theo ông Thơ, bánh mì đã trở thành món ăn xuất hiện khắp các vùng, miền, phục vụ cho mọi tầng lớp và nổi tiếng thế giới nhờ những đặc trưng riêng biệt. Đó là tính tiện dụng, tính giản đơn, tính dung hợp đa văn hóa, độ ngon, rẻ.

Bánh mì Việt Nam có vỏ bánh giòn, có thể sử dụng heo quay, xíu mại của ẩm thực Hoa, pate, bơ của người Pháp, các loại rau gia vị để hạn chế độ ngấy. Một ổ bánh mì đầy đặn mang đủ hương vị có tầm giá chung khoảng 20.000-30.000 đồng, khoảng 1 USD.

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 3

Bánh mì đã trở thành món ăn thông dụng, mang đặc trưng của ẩm thực Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ngân).

"Bản đồ" bánh mì trên khắp thế giới

Năm 2010, Đại học Havard (Mỹ) xuất hiện điểm bán thức ăn châu Á mang tên Bon Me, lúc nào cũng tấp nập khách hàng. BON ME chính là cách đọc lái của từ "bánh mì" Việt Nam. Trên website, cửa hàng này đã mô tả "tên gọi và món ăn của chúng tôi được lấy cảm hứng từ món bánh mì truyền thống của Việt Nam. Bánh mì được làm từ những nguyên liệu tươi ngon nhất, cùng những hương vị đặc biệt nhất".

Bánh mì thương hiệu Ba Lẹ cũng xuất hiện trong khuôn viên trường Đại học Hawaii. Bên cạnh đó, bánh mì Việt Nam cũng đã trở nên phổ biến trên những chiếc food-truck (xe tải bán thức ăn, nước uống của Mỹ -PV) tại thủ đô Washington.

"Có khoảng 80% người bán là người Việt Nam. Đây là cách bánh mì được giới thiệu và nhận sự yêu thích từ thế giới", ông Thơ nói.

Năm 2011, "bánh mì" chính thức được đưa vào từ điển Oxford, đánh dấu cột mốc đáng tự hào của ẩm thực Việt Nam. Bộ từ điển uy tín nhất nước Anh chú thích: "Bánh mì/bɑːn ˈmiː/ là món ăn của Việt Nam kẹp với thịt nguội, pate và rau củ". Như vậy, bánh mì là một tên riêng, được định nghĩa là một món ăn của người Việt Nam.

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 4

Từ khóa "bánh mì" trên từ điển Oxford (Ảnh chụp màn hình).

Rất nhiều lần, bánh mì Việt được các hãng thông tấn quốc tế khen ngợi. "Món ăn đường phố ngon nhất thế giới" theo bình chọn của tờ tạp chí National Geographic (Mỹ). Năm 2020, trang hướng dẫn du lịch trực tuyến Taste Atlas đã "gọi tên" bánh mì trong danh sách 10 món ăn đường phố mang hương vị đặc sắc nhất. 

Tờ Guardian của Anh từng mô tả bánh mì "ngon nhất thế giới" trên đường phố Việt Nam bắt đầu bằng chiếc bánh baguette nướng trên than, thêm lớp pate mỏng, đầy thịt bên trong, rau ngâm chua và rau tươi. Tất cả được "kết nối" bằng nước sốt là nước tương hoặc ớt cay.

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 5

Bảy Hồ là cửa hiệu bánh mì lâu năm tại TPHCM (Ảnh: Trần Đạt).

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 6

Hay ổ bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng khắp Sài Gòn (Ảnh: Ngọc Ngân).

Theo lý giải, bánh mì "được lòng" khách quốc tế chính nhờ mùi vị đặc trưng đến từ nguyên liệu địa phương, sự đa dạng các loại nhân: chả cá, chả lụa, chả bò, xíu mại, thịt ba rọi khìa, cà bông, gà xé, thịt xông khói, thịt nguội…

Bánh mì luôn được nướng nóng giòn, xẻ làm đôi, phết thêm pate, bơ, nhưng không ngấy bởi nguyên liệu hoàn thiện bánh mì luôn là rau thơm, hành và cà rốt, củ cải trắng ngâm chua. Một số nơi đã sáng tạo ra các loại sốt chan vào bánh mì. Sự hòa quyện về mùi và vị đã tạo nên sức hấp dẫn của món ăn. 

Xe bon me duy nhất tại Đại học Havard và niềm tự hào bánh mì Việt Nam - 7

Bánh mì Việt Nam đã chinh phục nhiều thực khách phương Tây (Ảnh: Ngọc Ngân)

Trong hành trình phát triển bánh mì, người Việt đã không ngừng sáng tạo. Vỏ bánh có khi giòn, rỗng ruột để nhét nhiều nhân, có loại đặc ruột, xốp hơn. Từ lò nướng than, người ta chuyển sang lò điện, nhân bánh cũng đa dạng hơn qua nhiều năm. 

Hiện tại, bánh mì đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… "Bản đồ" bánh mì là minh chứng cho niềm tự hào ẩm thực Việt Nam. 

Hiệp hội Du lịch và Sở Du lịch TPHCM đề xuất chọn ngày 24/3 là Ngày bánh mì Việt Nam, nhằm kỉ niệm ngày từ khóa "bánh mì" xuất hiện trong từ điển Oxford. Bánh mì từ lâu đã nằm trong bản đồ ẩm thực thế giới, nhiều lần được vinh danh là món ăn đường phố ngon nhất, theo đánh giá của nhiều chuyên trang quốc tế. 

Từ nguyên liệu được người Pháp mang đến vào nửa cuối thế kỷ 19, bánh mì Sài Gòn đã trở thành món ăn vừa dung dị, vừa hấp dẫn, gắn liền với dòng chảy văn hóa - ẩm thực của thành phố gần trăm năm nay. Món bánh mì đã được đặt trong các nhà hàng sang trọng, trên tay người dân lao động hay được khách du lịch quốc tế thưởng thức với sự tò mò và say mê. 

Ký ức bánh mì Sài Gòn mang đến những câu chuyện độc nhất về bánh mì, từ những người làm ra bánh mì, thưởng thức và yêu bánh mì như một phần của cuộc đời.