Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới

Khôi Vũ

(Dân trí) - Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO.

Tối ngày 16/9, tại thủ đô Riyadh, nước Cộng hòa Ả Rập Xê Út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây chính là di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên tại nước ta.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có 1.133 hòn đảo đá vôi với muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà). Nơi đây được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, nước non trùng điệp, thanh bình, những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Theo UNESCO Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất. 

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới - 1

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên tại nước ta (Ảnh: Toàn Vũ).

Đây là khu vực có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đồng thời, nơi đây chứa đựng môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, di sản này là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển. 

Trong đó, Voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60 - 70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Việc tổ chức thành hồ sơ di sản liên tỉnh thành phố Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được thực hiện dựa trên khuyến nghị của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN vào năm 2014. Khi đó, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được công nhận di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và năm 2000), còn Cát Bà đang gửi hồ sơ đề cử. Sau khi thẩm định, IUCN khuyến nghị Việt Nam xem xét khả năng đề xuất gộp Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà thành một hồ sơ di sản thế giới mới.

Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt gửi tới UNESCO. 

Tham gia Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới, đoàn Việt Nam có PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL); Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp. Về phía các địa phương có ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đoàn Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO cũng như 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới để cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm, cam kết của Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

Các chuyên gia này đều đánh giá cao giá trị di sản, từ đó ủng hộ vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm