Hạ Long lý giải việc "ngăn sông cấm chợ" với vịnh Lan Hạ gây tranh cãi

Thanh Thúy

(Dân trí) - Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, hoạt động tham quan trên hai vịnh Hạ Long và Lan Hạ phải phân thành các tuyến khác nhau để đảm bảo sức tải của di sản.

Ngày 25/7, đại diện Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết đã gửi giải trình tới UBND tỉnh Quảng Ninh về thông tin "ngăn sông cấm chợ" của vịnh này với vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). 

Theo đó, Ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định, hai vịnh là danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương khác nhau (Quảng Ninh và Hải Phòng), do đó hoạt động tham quan cần tuân thủ quy định của từng địa phương.

Hiện, các tàu du lịch khai thác vịnh Hạ Long do Quảng Ninh cấp phép, được di chuyển theo 5 tuyến, xuất phát từ một trong ba cảng ở tỉnh này, gồm cảng Tuần Châu, Vinashin và Sun Group. 

Trong khi đó, các tàu khai thác du lịch ở vịnh Lan Hạ, do Hải Phòng cấp phép, chỉ hoạt động trong vùng biển do tỉnh này quản lý và xuất phát từ các cảng nhỏ, cũ, kém thuận tiện hơn cảng ở Quảng Ninh, như bến Gót, Gia Luận.

Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp.

Do vậy, các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Hạ Long lý giải việc ngăn sông cấm chợ với vịnh Lan Hạ gây tranh cãi - 1

Tại vịnh Hạ Long, ngoài hoạt động theo Luật đường thủy nội địa còn bị chi phối bởi Luật di sản với các khuyến cáo của UNESCO. Trong ảnh là một du thuyền trên vịnh Hạ Long (Ảnh: P.H).

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh: "Giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ có sự khác biệt lớn, một vịnh là Di sản Thiên nhiên thế giới, một vịnh chưa được công nhận.

Điều này dẫn đến sự khác nhau trong công tác quản lý, quy định về chất lượng tàu thuyền, giá cả vé tham quan và các dịch vụ liên quan… nên khó đi đến thống nhất chung".

Tại vịnh Hạ Long, ngoài hoạt động theo Luật đường thủy nội địa còn bị chi phối bởi Luật di sản với các khuyến cáo của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) về vùng lõi, vùng đệm của di sản. 

Vấn đề gìn giữ môi trường vịnh và hoạt động khai thác vịnh Hạ Long theo Luật di sản được Quảng Ninh đặt lên hàng đầu. Từ khi tỉnh có chủ trương không cho đóng mới, phát triển đội tàu, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã phải tìm sang Hải Phòng để đóng tàu rồi hoạt động tại vịnh Lan Hạ.

Ngoài ra, còn có điểm chưa đồng thuận khác giữa hai tỉnh hiện nay liên quan đến vấn đề số lượng tàu, tiêu chuẩn chất lượng tàu. Bởi theo thực tế, tiêu chuẩn mà Quảng Ninh áp dụng đối với tàu du lịch hoạt động tại vịnh Hạ Long đòi hỏi cao hơn so với quy định chung cũng như tại Hải Phòng.

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hoạt động tham quan trên hai vịnh được phân thành các tuyến để đảm bảo sức tải của di sản và giảm thiểu ảnh hưởng đến di sản.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định, cả hai tỉnh đều đang nỗ lực "ngồi lại với nhau" để tìm được giải pháp chung, thống nhất trong phương pháp quản lý để cùng hỗ trợ lẫn nhau. 

Đánh giá về vấn đề trên, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, người có nhiều năm kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long, cho biết: "Việc quản lý nguồn thu khi thông hai tuyến này cũng là câu chuyện khó được giải quyết".

Song, dưới góc độ của người làm dịch vụ, ông Hà cho rằng trải nghiệm của khách hàng mới là điều quan trọng nhất nên bằng mọi cách phải sớm chấm dứt tình trạng ranh giới. Thay vì chỉ đi một vịnh Lan Hạ hoặc Hạ Long, khách có thể khám phá cả hai vịnh, tạo đột phá trong liên kết vùng.