Về xứ “Công tử Bạc Liêu” đi đâu ngày Tết ?
(Dân trí) - Xứ “Công tử Bạc Liêu” có nhiều điểm tâm linh để du khách cúng viếng, cầu bình an hay tham quan ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực đặc trưng trong những ngày Tết đến Xuân về.
Ngoài những ngôi chùa Khmer, chùa người Hoa, người Kinh thì còn có 2 điểm tâm linh mà du khách không thể bỏ qua khi đến với xứ “Công tử Bạc Liêu” trong ngày Tết, đó là Quán Âm Phật Đài và Thánh đường Tắc Sậy.
Người dân Bạc Liêu thường hay nói: “Đến Bạc Liêu thì về huyện cúng Cha, về thành cúng Mẹ”. Bởi Quán Âm Phật Đài tọa lạc tại thành phố Bạc Liêu, thờ Phật Bà Nam Hải (còn gọi là Mẹ Nam Hải); còn Thánh đường Tắc Sậy tọa lạc tại huyện (nay là thị xã) Giá Rai, là khu nhà thờ công giáo, có nơi an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp (còn gọi là Cha Diệp). Đây là 2 địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Chính vì thế, ngoài những ngày lễ hội vía Mẹ Nam Hải (tháng 3 âm lịch) hay cúng giỗ Cha Diệp (tháng 3 dương lịch) trong năm thì những ngày Tết luôn là điểm thu hút nhiều khách thập phương trong và nước đến đây cúng viếng, cầu bình an cho năm mới.
Và không chỉ là nơi cúng viếng mà Quán Âm Phật Đài và Thánh đường Tắc Sậy còn là nơi để tham quan rất thú vị, bởi các điểm này có nhiều công trình được xây dựng rất hoành tráng, đẹp mắt. Như Quán Âm Phật Đài có tượng Phật Bà cao cả chục mét; các miếu thờ; tượng Phật Bà nghìn tay; khu tượng Phật Bà với nhiều hình dạng;…
Video: Thánh đường Tắc Sậy.
Khi nói đến xứ “Công tử Bạc Liêu” thì một điểm mà du khách cũng nên ghé thăm trong ngày Tết là Khu nhà “Công tử Bạc Liêu”, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 3 (TP Bạc Liêu). Đến đây ngoài chiêm ngưỡng khu nhà, khu trưng bày những hiện vật của gia đình “Công tử Bạc Liêu” thì du khách còn được gặp gỡ, trò chuyện với con trai “Công tử Bạc Liêu” để nghe kể chuyện gia đình “Công tử Bạc Liêu” ngày xưa ăn Tết ra sao.
Ngoài ra, nếu có thời gian, du khách có thể đi tham quan ở một số địa điểm nổi bật khác như Khu Nhà máy điện gió; Khu Du lịch Nhà Mát (có bãi tắm nhân tạo lớn nhất ĐBSCL), Quảng trường Hùng Vương (có cây đờn kìm đạt kỷ lục Việt Nam), Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (nghe hát đờn ca tài tử), Chùa Hưng Thiện (có tượng Phật Bà cao nhất ĐBSCL), các chùa Khmer có kiến trúc rất độc đáo, các Khu di tích lịch sử, văn hóa; vườn chim Bạc Liêu...tại một số địa phương trong tỉnh.
Đặc biệt, về xứ "Công tử Bạc Liêu" trong những ngày Tết này, du khách được hòa mình vào những buổi họp mặt, vui chơi, giải trí, cùng nghe hát cải lương, đờn ca tài tử của người dân từ thành thị cho đến nông thôn. Đây cũng là một nét đặc trưng trong văn hóa đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Video: Nghe hát đờn ca tài tử.
Về món ăn ngày Tết khi đến Bạc Liêu thì ngoài những loại thực phẩm thông thường, du khách không nên bỏ qua các món như: bún bò cay, bánh tầm, bánh xèo, ốc len xào nước cốt dừa, lẩu mắm,…là những món ăn nổi bật của địa phương.
Huỳnh Hải