Tung lò mò: Đặc sản độc đáo từ… ruột bò của người Chăm

(Dân trí) - Vào đến một số khu vực ở An Giang, du khách có thể dễ dàng bắt gặp nhiều cuộn màu đỏ sẫm phơi đầy trên những cây sào hay sạp tre. Đó là tung lò mò – một đặc sản nổi tiếng và độc đáo của người Chăm.

Thực chất, tung lò mò được người Việt đọc chệch từ tiếng Chăm là “tung lamaow”, nghĩa là thịt trong ruột bò. Món ăn này trước đây được xếp vào hàng món ăn chơi của riêng người Chăm theo đạo Hồi, phổ biến ở khắp vùng Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn,… nay trở thành đặc sản.

Tung lò mò là món ăn độc đáo của đồng bào người Chăm sinh sống tại An Giang
Tung lò mò là món ăn độc đáo của đồng bào người Chăm sinh sống tại An Giang

Ít ai biết rằng, tung lò mò gắn liền với một truyền thuyết. Theo đó, vào thời hỗn mang, Thượng đế đã sai sứ thần lấy đất sét tạo thành người đàn ông đầu tiên, đặt tên là Nabi Adam. Sự xuất hiện của Adam đã làm cho ma quỷ lo sợ nên tìm đủ mọi cách hãm hại, làm nhục ông. Khi thấy thân thể Adam toàn những thứ ô uế, Thượng đế lấy nước thiên đàng tắm rửa cho Adam.

Trong quá trình tẩy rửa, những chất dơ bẩn ấy biến thành con heo, con chó. Quá tức giận, Adam có lời thề: heo và chó là kẻ thù của ta và con cháu ta sau này. Cũng từ đó, đối với người Chăm theo Hồi giáo, thịt heo hay thịt bò là thực phẩm cấm kị. Để có thể thưởng thức món lạp xưởng, họ đã dùng thịt bò thay thế.

Thịt bò để làm món này đúng điệu phải là giống bò Ấn Độ được thả rông ở ngoài đồng. Món lạp xưởng làm theo gốc của người Chăm là lấy những phần thịt “tận thu” của con bò như thịt vụn, mỡ bò và ruột bò băm nhỏ, sau đó nhồi tất cả vào ruột bò. Tuy nhiên, để có được tung lò mò ngon nhất, người ta phải lấy các phần ở đùi, bắp hoặc thịt nạc.

Tung lò mò giống lạp xưởng nhưng có một nguyên liệu vô cùng đặc biệt là ruột bò.
Tung lò mò giống lạp xưởng nhưng có một nguyên liệu vô cùng đặc biệt là ruột bò.

Các nguyên liệu được khử mùi bằng rượu và gừng, ướp một thời gian, sau đó đem băm nhuyễn cùng mỡ bò, trộn đều với một số gia vị bí truyền. Tiếp đến, người Chăm đem nhồi tất cả vào ruột bò đã được làm sạch, đem phơi ngoài nắng khoảng 3 ngày là dùng được.

Để tung lò mò trở thành món ngon độc đáo, người Chăm còn cho vào đó một nguyên liệu đặc biệt, đó là cơm nguội. Cơm nguội khi được lên men có vị chua lạ miệng cho người ăn. Nếu không hợp khẩu vị, thực khách có thể thử sang tung lò mò không chua.

Thưởng thức tung lò mò “chuẩn” nhất chính là nướng trên than hồng. Tung lò mò được cắt thành từng khoanh nhỏ để lên vỉ, nướng đến khi hương thơm tỏa ngào ngạt. Chấm món ăn với nước tương, thực khách sẽ cảm nhận được đủ vị lạ trong miệng. Từ mùi thơm của thịt bò nướng, vị béo bùi của mỡ bò đến vị ngọt của nước tương hòa cùng mùi thơm của rau quế, hạt tiêu sọ. Tất cả tạo nên hương vị độc đáo và thú vị.

Với thực khách, tung là mò thật sự là một món quà quý, ngon, lạ và bổ dưỡng.
Với thực khách, tung là mò thật sự là một món quà quý, ngon, lạ và bổ dưỡng.

Sau khi thưởng thức tung lò mò, du khách có thể tận hưởng một ly nước thốt nốt đặc trưng mà không nơi nào có được. Thốt nốt được chẻ ra, lấy lớp cơm trắng bên trong sắc nhỏ cho vào ly, thêm ít đường cát và một ít đá xay nhuyễn nên nước ngọt dịu, thoang thoảng hương thơm tự nhiên.

Người Chăm thường làm tung lò mò để ăn chơi trong gia đình và đãi bạn bè. Vừa ngồi quanh bếp lửa nướng tung lò mò vừa trò chuyện, người ta mới cảm thấy hết dư vị của món ăn này. Tung lò mò không chỉ là món ăn quý mà còn chan chứa tình cảm của người Chăm.

Ngày nay, món tung lò mò đã vượt ra ngoài khu vực Châu Đốc, An Giang và phổ biến ở nội thành Sài Gòn. Với những du khách chưa có dịp ghé thăm An Giang thì có thể tìm mua vài cân tung lò mò trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1 với giá 180.000/kg, do chính người Chăm chế biến và bày bán.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm