Từ vụ phi công rơi xuống rừng già: Chơi dù lượn cần làm gì để tránh rủi ro?

Minh Nhân

(Dân trí) - Anh Đặng Văn Mỹ - Huấn luyện viên bay dù lượn 7 năm kinh nghiệm - chia sẻ những kỹ năng cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro khi chơi bộ môn mạo hiểm này.

Rạng sáng 29/11, tổ công tác Công an huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) đã cứu hộ thành công phi công dù lượn Ngô Văn Đội (30 tuổi, trú huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Anh Đội được tìm thấy trong tình trạng bị thương, mất nhiều máu và hạ thân nhiệt do thời tiết trên núi cao giá rét về đêm. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, nam phi công được chuyển đến trung tâm y tế huyện cấp cứu, sức khỏe đã ổn định.

Dù lượn (paragliding) là môn thể thao hàng không, phi công cất cánh bay bằng dù từ đỉnh núi xuống. Bộ môn đòi hỏi chương trình huấn luyện phi công (người chơi chuyên nghiệp) khắt khe nhằm phòng tránh sự cố nghiêm trọng.

Phi công dù lượn thường trải qua một khóa học cơ bản 10 buổi, đầu ra là chứng chỉ P2. Song để được bay một mình, phi công phải tiếp tục học nâng cao để lấy các chứng chỉ P3 và P4, dựa trên tiêu chuẩn của Liên đoàn thể thao hàng không Quốc tế (FAI).

Từ vụ phi công rơi xuống rừng già: Chơi dù lượn cần làm gì để tránh rủi ro? - 1

Anh Đội được Công an huyện Tân Uyên giải cứu sau 5 giờ mắc kẹt trong rừng già (Ảnh: Công an cung cấp).

Anh Đặng Văn Mỹ, 38 tuổi, huấn luyện viên bay dù lượn, người sáng lập Mebayluon Paragliding, cho biết trong những năm gần đây, dù lượn phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương du lịch như: Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng… 

Để được bay với khách hoặc bay thương mại, anh Mỹ cho hay phi công phải có tối thiểu 200 giờ bay, 200 ngày bay, ít nhất 500 chuyến bay, làm chủ được những kỹ thuật, yêu cầu bắt buộc đối với bay dù đôi, theo tiêu chuẩn của FAI. 

Bên cạnh những phi công được đào tạo chuyên nghiệp, một bộ phận chơi dù lượn theo xu hướng (trend). Họ không hiểu về tính rủi ro, độ an toàn bay nên gặp nhiều sự cố, thậm chí tai nạn đe dọa tính mạng.

Theo anh Mỹ, dù lượn là bộ môn thể thao mạo hiểm, tỷ lệ rủi ro rất cao, đặc biệt với những phi công bay đường trường 20-200km qua nhiều địa hình khác nhau.

Trong đó, điều kiện thời tiết (gió, mưa) là rủi ro khách quan, cũng là rủi ro lớn nhất. Nếu bay vào khu vực gió xoay, bị nhiễu động, dù có thể bị sập một phần hoặc toàn bộ khiến phi công mất khả năng điều khiển.

Nếu phi công đang ở độ cao cách mặt đất 30-50m, họ không đủ thời gian và khả năng xử lý tình huống. Trong trường hợp này, tốc độ rơi nhanh, nguy cơ va chạm mặt đất rất lớn. 

Rủi ro thứ hai liên quan kỹ năng của phi công. Nếu phi công không đủ kinh nghiệm đánh giá điều kiện thời tiết, không xử lý được các tình huống, đã tự đưa mình vào rủi ro và phải hạ cánh khẩn cấp.

Từ vụ phi công rơi xuống rừng già: Chơi dù lượn cần làm gì để tránh rủi ro? - 2

Nhiều năm gần đây, dù lượn trở thành xu hướng du lịch trải nghiệm tại Hà Nội (Ảnh: Mebayluon Paragliding).

Với 7 năm kinh nghiệm bay dù lượn, anh Mỹ cho biết đã trải qua nhiều tình huống nguy hiểm, chủ yếu trong những chuyến bay tập luyện đường dài.

"Khi bay qua vùng địa hình lạ, tôi đánh giá sai tình hình thời tiết và hướng gió, dẫn đến sự cố bất chợt", anh Mỹ nói.

Khu vực nhiễu động bay khiến dù bị "sốc", phi công không thể điều khiển dù ổn định. Dù của anh Mỹ bị sập một nửa, phần còn lại vướng vào dây dù. Anh bay trong tình trạng còn một nửa dù.

Không thể cân bằng phương tiện, anh Mỹ bị cuốn vào vùng xoáy gió, quay tròn trên không trung.

"Tôi cố gắng gỡ dù, giảm tốc độ trước khi rơi tự do xuống mặt đất. May mắn, tôi đã hạ cánh an toàn", anh nhớ lại.

Nam huấn luyện viên cho hay không thể loại bỏ 100% nguy cơ của bộ môn này, nhưng nếu biết cách, phi công có thể tránh và xử lý kịp thời các sự cố. Theo anh, phi công dù lượn cần trang bị kiến thức, "bởi càng nhiều kiến thức sẽ càng biết cách đánh giá, tránh hoặc giảm thiểu rủi ro".

Ngoài ra, người chơi nên tham gia khóa học huấn luyện an toàn bay, tăng kỹ năng sinh tồn (xử lý dù, sơ cấp cứu…) để tự cứu mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm.

"Những người mới chơi dù lượn thường bỏ qua những khóa học này", anh Mỹ cho biết. 

Từ vụ phi công rơi xuống rừng già: Chơi dù lượn cần làm gì để tránh rủi ro? - 3

Nhiều du khách trải nghiệm bay dù lượn tại Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Như trường hợp của phi công Ngô Văn Đội, Công an tỉnh Lai Châu cho biết người này bay đường trường luyện tập, xuất phát từ 11h30 ngày 28/11, tại bản Sì Thâu Chải theo lịch bay từ Tam Đường - Tân Uyên - Than Uyên.

Đến khoảng 16h cùng ngày, anh Đội bay qua thị trấn Tân Uyên để trở về Tam Đường thì bất ngờ gặp sự cố kỹ thuật "sụp cánh dù", phải hạ khẩn cấp trong rừng.

Sau thời gian xử trí không hiệu quả, cả người và dù bị rơi xuống khu vực rừng thuộc địa phận thị trấn Tân Uyên. Đây là khu vực rừng già, địa hình hiểm trở, sóng điện thoại chập chờn. 

Anh Mỹ khuyến cáo phi công tập luyện nên có người bay cùng; lập kế hoạch bay cẩn thận; tránh chọn khu vực nguy hiểm như: rừng, sông, biển, đường dây điện, tòa nhà cao tầng…; chuẩn bị đồ sơ cứu, một số trang thiết bị cần thiết trên hành trình. 

"Các phi công của chúng tôi bắt buộc mang theo một số vật dụng khi bay chặng dài, như: dây leo núi dài 30-50m, thuốc giảm đau, thuốc dùng khẩn cấp, thiết bị định vị theo sóng vệ tinh, đồ ăn, thức uống dự phòng, đồ chống mất nhiệt…", anh Mỹ nói. 

Theo anh, dù lượn hiện thu hút du khách nhờ mang lại cảm giác thú vị, nhiều góc nhìn và cảm xúc mới lạ. Tuy nhiên, anh khuyến cáo người trẻ không nên bay  dù lượn theo phong trào, tránh đưa bản thân vào tình huống nguy hiểm. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm