"Tủ lạnh" cổ đại không dùng điện, bảo quản đá lạnh giữa sa mạc nóng bỏng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Những kỹ sư thời cổ đại đã tạo ra loại tủ lạnh không cần dùng điện nhưng vẫn có thể bảo quản băng đá và thực phẩm giữa sa mạc nóng bỏng.

Từ khoảng những năm 400 trước Công Nguyên, thời điểm rất lâu trước khi con người phát minh ra điện, trên vùng sa mạc khô cằn nóng bỏng của đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay), các kỹ sư cổ đại đã tạo ra một thiết bị làm mát có khả năng bảo quản đá lạnh và thực phẩm. Đó là Yakhchāl.

"Tủ lạnh" hơn 2.400 năm bảo quản băng đá và thực phẩm giữa sa mạc bỏng rát

Yakhchāl mang nghĩa đen là "hố băng", vốn là thiết bị làm mát cổ có hình nón cao, rỗng ruột. Khoảng không bên trong Yakhchāl được dùng để dự trữ băng đá, thực phẩm hay những đồ dễ thiu hỏng. Đây là thiết bị giữ lạnh hiệu quả dù chúng được thiết kế nằm giữa sa mạc nóng như thiêu đốt.

Tủ lạnh cổ đại không dùng điện, bảo quản đá lạnh giữa sa mạc nóng bỏng - 1

Đây là thiết bị bảo quản đá lạnh, thực phẩm của người Ba Tư cổ đại (Ảnh: News).

Những chiếc "máy giữ lạnh" cổ xưa này giống như tổ ong trồi lên mặt đất. Mái vòm rỗng của có cao khoảng chục mét. Bên dưới lòng đất là các kho ngầm rộng lớn để chứa những khối băng. Người Ba Tư cổ đại dự trữ băng vào mùa đông, cất nó trong lòng đất rồi sử dụng suốt mùa hè, giúp bảo quản thực phẩm. Phần lớn những chiếc "tủ lạnh" này có nguồn nước ngầm riêng bên dưới, dẫn nước từ sông suối ở vùng lân cận về.

Theo tài liệu để lại, trung bình một chiếc Yakhchāl cao gần 20m, tường dày ít nhất 2m để cách nhiệt, chống nóng. Khoảng không rỗng bên trong có sức chứa lên tới 5.000m3.

Kiểu thiết kế của Yakhchāl cho phép không khí lạnh đi vào tới đáy mái vòm, đi xuống các bộ phận thấp nhất của cấu trúc. Mái vòm hình nón của Yakhchāl giúp thoát nhiệt lên trên và ra ngoài, trong khi đó bên trong vẫn giữ được độ lạnh quanh năm.

Tủ lạnh cổ đại không dùng điện, bảo quản đá lạnh giữa sa mạc nóng bỏng - 2
Một chiếc yakhchāl nằm ở Yazd, Iran ngày nay (Ảnh: Pastaitaken).

Chất liệu cách nhiệt của công trình gồm hỗn hợp đất sét, cát, lông dê, tro bếp với lòng trắng trứng, được trộn theo tỷ lệ nhất định. Chúng tạo ra một loại vữa cách nhiệt, còn được gọi là Sarooj. Các chuyên gia khảo cổ nhận định, loại vữa đặc biệt này còn chống thấm nước rất tốt. Chúng có thể ngăn sự truyền nhiệt, đóng vai trò hiệu quả ngăn ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào mùa hè.  

Nhờ việc phát minh ra yakhchāl, không chỉ những người thuộc tầng lớp thượng lưu ngày đó được sử dụng đồ lạnh, ngay cả gia đình nghèo khó cũng được tiếp cận. 

Những chiếc "tủ lạnh" không dùng điện này đặt ngoài trời, có hệ thống thông gió riêng để duy trì độ lạnh cho không gian bên trong vào mùa hè. Một số yakhchāl được xây hàng trăm năm trước, đến nay vẫn còn tồn tại dù chúng cũng bị hư hại ít nhiều và xói mòn do bão sa mạc. Du khách có thể tận mắt chứng kiến những chiếc yakhchāl trên khắp Iran cũng như một số quốc gia lân cận cho đến tận Tajikistan.

Ngày nay, tại Iran, Afghanistan và Tajikistan, thuật ngữ "yakhchāl" được dùng để chỉ những chiếc tủ lạnh được dùng trong các căn bếp thời hiện đại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm