Trung Quốc cấm cửa vĩnh viễn 12 du khách "có hành vi tồi tệ" với gấu trúc

Viên Minh

(Dân trí) - Một trung tâm nghiên cứu và nhân giống gấu trúc nổi tiếng ở Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm suốt đời đối với 12 du khách có những "hành vi tồi tệ" với gấu trúc.

Theo một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô (Trung Quốc), 12 du khách trong độ tuổi từ 26 đến 61 đã bị cấm cửa vĩnh viễn.

Những người này đã có hành vi tồi tệ, "bị bắt quả tang ném măng, que kẹo mút, thuốc lá, trứng, bánh mì, thậm chí khạc nhổ vào khu vực vui chơi ngoài trời của gấu trúc".

Trung tâm nghiên cứu không tiết lộ quốc tịch hay danh tính cụ thể của những du khách bị cấm cửa, cho biết thêm những hành vi này diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.

Trong sự việc xảy ra vào ngày 2/5, người phụ nữ 61 tuổi đã phớt lờ hướng dẫn của nhân viên và nhét chiếc ô qua lan can khi họ không để ý. Chiếc ô rơi vào chuồng và một con gấu trúc đã "tiếp xúc" với nó.

Trung tâm cho biết những con gấu trúc đã được kiểm tra sức khỏe và trong tình trạng bình thường. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng thể chất của từng con vật, đảm bảo chúng khỏe mạnh và an toàn", trích thông báo của trung tâm. 

Trung Quốc cấm cửa vĩnh viễn 12 du khách có hành vi tồi tệ với gấu trúc - 1

Một con gấu trúc tại Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc khổng lồ Thành Đô (Ảnh: Weibo).

Trung tâm nghiên cứu gây giống gấu trúc khổng lồ là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Thành Đô, có hướng dẫn chi tiết cho du khách trên website của họ.

"Xin hãy chú ý đến sự an toàn của chính bạn và động vật. Hãy im lặng và tránh xa thú vật; nghiêm cấm xả rác, khạc nhổ, ném thức ăn vào khu chăn nuôi và các hành vi khác đe dọa sự an toàn của động vật".

Cảnh báo tiếp tục nêu rõ việc vi phạm các quy tắc này có thể dẫn đến các mức xử phạt khác nhau, như: nhắc nhở, giáo dục, cấm cửa tham quan một năm, 5 năm, thậm chí vĩnh viễn.

Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô được mở vào năm 1987 tại tỉnh Tứ Xuyên, với mục tiêu "trở thành một cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới, trung tâm giáo dục bảo tồn và điểm đến du lịch giáo dục quốc tế".

Trung tâm được thiết kế để tái tạo môi trường sống tự nhiên của loài gấu trúc khổng lồ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Năm 2018, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã nâng cấp gấu trúc khổng lồ từ "có nguy cơ tuyệt chủng" lên "dễ bị tổn thương". Ước tính hiện nay có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên.