Thơm lừng cá suối nướng Lai Châu

(Dân trí) - Nếu có dịp ghé thăm Mường So, Phong Thổ, Lai Châu, mà không được thưởng thức món cá suối nướng thì quả thật là một thiếu sót.

Từ xa xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông, con suối nên cá và các loại thủy sản khác luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày.

Thơm lừng cá suối nướng Lai Châu
Trong các lễ hội của dân tộc Thái như lễ hội Nàng Han, Cúng lúa mới, Then Kin Pang... không thể thiếu món cá suối nướng

Chính vì vậy tục ngữ Thái đã có câu: “Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: ''Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho''. Bởi đối với đồng bào dân tộc Thái thì cá không chỉ đơn thuần mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn là biểu tượng của sự no đủ, sung túc và hạnh phúc.

Trong các lễ hội của dân tộc Thái như lễ hội Nàng Han, Cúng lúa mới, Then Kin Pang... không thể thiếu món cá suối nướng. Để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn “ngon miệng, ngon mắt”, trước tiên cần chọn những con cá suối nặng từ 4 đến 6 lạng.

Để làm được món cá suối nướng ngon thơm, người ta phải chọn loại cá suối tươi, béo nếu là cá chép thì càng tốt. Cá được cạo sạch vảy, không mổ đường bụng mà phải mổ sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp. Sau khi lấy mật thì rửa sạch rồi ướp, nhồi gia vị.

Cá suối thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác. Nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh.

Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, xúp, mì chính... Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột. Mổ kiểu này khó hơn, không cẩn thận sẽ bị đứt tay nhưng khi gập cá lại để nướng, cá sẽ dai hơn và không bị vỡ, tạo thành hình đẹp.

Nướng cá cũng cần có kỹ thuật
Nướng cá cũng cần có kỹ thuật

Sau khi mổ phanh lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm các gia vị chừng 4 phút rồi gập ngang cá lại rau thơm và gia vị tiếp tục nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút thì cá chín.

Nướng cá cũng cần có kỹ thuật, không được vội vàng mà dí sát xuống than làm cháy lớp ngoài mà lớp trong chưa kịp chín thơm, phải kiên trì hơ cho chín dần, chín đều. Khi gỡ cá ra khỏi xiên chỉ cần dung sợi chỉ vuốt dọc mình cá theo chiều gắp thì miếng thịt cá còn nguyên mà không bị vỡ.

Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển dần từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối nướng ăn phải ăn với xôi nếp ba màu và chấm với chẩm chéo mới đúng kiểu cách.

Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt đầu sàn nhà mẹ, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng - tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên.

Khi Khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách chủ nhà sẽ chia phần cá suối nướng cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên!

Bài, ảnh: Minh Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm