Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông
(Dân trí) - Một cụm cây bạch dương trắng tại thị trấn Biei (Nhật Bản) có thể bị đốn hạ ngay trong tháng này do lượng du khách ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
Điểm check-in nổi tiếng
Thị trấn Biei (Hokkaido, Nhật Bản) nổi tiếng với các cánh đồng lúa mì, củ cải đường và khoai tây trắng trải dài trên những ngọn đồi thoai thoải.
Ngoài những cánh đồng ngút ngàn và hồ nước xanh biếc, hàng cây bạch dương trắng mọc lẻ loi giữa thiên nhiên cũng trở thành điểm check-in yêu thích của du khách.
Sự đơn sơ, thanh bình của hàng cây này đã thu hút vô số người đến chụp ảnh, biến nơi đây thành một địa điểm nổi tiếng dù không mang một tên gọi chính thức nào.
![Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 1 Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Njfzr0xI0W-Qq76bWZ-Tr9wPa_U=/thumb_w/1020/2025/02/07/hang-cay-bach-duong-1738922050676.jpg)
Hình ảnh hàng bạch dương khiến nhiều người muốn đến check-in (Ảnh: Unseen Japan).
Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng này lại kéo theo nhiều hệ lụy. Lượng khách đông đảo đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, đồng thời làm ảnh hưởng đến công việc canh tác của nông dân khi nhiều người vô ý giẫm đạp lên cánh đồng để chụp ảnh.
Đây không chỉ là vấn đề riêng của Biei mà còn xảy ra ở nhiều địa danh nổi tiếng khác tại Nhật Bản, như giao lộ tàu điện ở Kamakura hay làng cổ Shirakawa-go.
Ngoài ra, một số nông dân còn phàn nàn rằng bóng râm từ cụm cây bạch dương che phủ ruộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và làm giảm sản lượng nông sản.
Trước áp lực từ cả du khách lẫn người dân địa phương, chính quyền thị trấn Biei đã quyết định chặt hạ cụm cây này. Việc đốn hạ có thể sẽ diễn ra ngay cuối tháng này, theo tờ Unseen Japan.
Những tranh cãi xoay quanh việc chặt hàng cây bạch dương
Việc chặt hạ cụm cây bạch dương là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa du lịch và đời sống người dân. Song, quyết định này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Một số người bày tỏ tiếc nuối trước số phận của những cây bạch dương đã tồn tại qua nhiều năm. Một dân mạng bình luận: "Chống chọi với gió tuyết bao năm, cuối cùng lại bị chặt vì du lịch".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chính quyền có thể tìm giải pháp thay thế như áp dụng phí tham quan để kiểm soát lượng khách và giảm tác động tiêu cực.
![Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 2 Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/oxE23uSL03eYUF5P-GVV7SacH3w=/thumb_w/1020/2025/02/07/jegal-gihwan-2-1738922741486.jpg)
Hàng cây bạch dương giúp bức ảnh thêm thơ mộng (Ảnh: Jegal Gihwan/Unplash).
Tuy nhiên, cũng không ít người chỉ trích du khách thiếu ý thức và cho rằng chính hành vi vô trách nhiệm của họ đã khiến nhiều thắng cảnh thiên nhiên ở Nhật Bản bị mất đi.
Dù tranh luận vẫn tiếp tục, số phận của cụm bạch dương tại thị trấn Biei dường như đã được định đoạt.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Asahi Shimbun, ông Hiroyuki Kakuwa - thị trưởng Biei - cho biết chính quyền thị trấn sắp tới cũng sẽ áp dụng phí đỗ xe nhằm kiểm soát lượng du khách.
"Du lịch đã tạo nên giá trị thương hiệu cho Biei, điều mà các con số không thể đo lường. Tôi tin rằng việc duy trì một môi trường bền vững là yếu tố sống còn với du lịch trong tương lai", ông Kakuwa nhấn mạnh.
Trước đó, chính quyền địa phương từng cân nhắc việc áp dụng thuế lưu trú 300 yên/người/đêm (khoảng 50.000 đồng). Tuy nhiên, do phần lớn du khách chỉ đến Biei tham quan trong ngày nên biện pháp này chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
![Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 3 Thị trấn ở Nhật đốn hạ hàng bạch dương lâu năm vì du khách kéo đến quá đông - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/wSfNGRId8HK7Aqx19mXw4M8FFl8=/thumb_w/1020/2025/02/07/zekkeijapan-1738922451093.jpg)
Phong cảnh ở thị trấn Biei (Ảnh: Zekkei Japan).
Vốn là một vùng quê yên bình, Biei được nhiều người biết đến qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Shinzo Maeda vào thập niên 1980. Những bức ảnh phong cảnh của ông đã khiến nơi đây trở thành một điểm đến trong mơ của nhiều người Nhật.
Tuy nhiên, sau khi nền kinh tế Nhật Bản sụp đổ vào cuối thập niên 1980, lượng khách du lịch đến đây giảm mạnh. Mãi đến năm 2012, thị trấn mới chứng kiến làn sóng du khách mới sau khi tập đoàn Apple chọn hình ảnh Shirogane Blue Pond (Hồ Xanh) ở thị trấn Biei làm hình nền máy tính.
Hồ nước này có màu xanh đặc trưng do sự hòa trộn giữa nước sông và suối nước nóng chứa nhôm. Sự kiện này đã đưa Biei từ một điểm đến ít người biết đến trở thành một địa danh nổi tiếng thế giới, với lượng khách hằng năm vượt mốc 2 triệu người, trong khi dân số cả thị trấn chỉ khoảng 10.000 người.