Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015)

Tháng 7, dừng chân thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

(Dân trí) - Những ngày tháng 7 hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), rất nhiều người dân và du khách tìm về dừng chân ghé thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - một “địa chỉ đỏ” mới trên hành trình du lịch Quảng Nam.

 

1-b445e
Nhiều người dân và du khách viếng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ

 

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng và khánh thành hồi tháng 3/2015. “Địa chỉ đỏ” mới ở  núi Cấm (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được kỳ vọng là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang tầm vóc quốc gia có giá trị về tâm linh, là nơi tưởng nhớ các mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã sinh ra những người con anh hùng - hồn thiêng của đất nước, và là nơi cảm nhận những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tình Quảng Nam. Mẹ có 11 con, cháu là liệt sĩ. Người viết có dịp về thăm nhà mẹ Thứ khi mẹ chưa đi vào cõi vĩnh hằng. Vẫn nhớ lúc nghe mẹ nói, lúc ngắm mẹ cười, nhớ những câu chuyện kể về mẹ trong những ngày cuối đời vẫn khí chất kiên cường. Người mẹ ấy đã hy sinh biết bao? Xem bức ảnh mẹ lặng ngồi bên 11 ngọn nến tưởng niệm 11 người con, cháu của mẹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc mới thấy đức hy sinh của mẹ không gì đong đếm được, không ngôn từ nào bày tỏ hết!

 

2-466cd
Tượng Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ ( quê ở Điện Bàn, Quảng Nam)

 

Chúng tôi nhớ có dịp về thăm Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, nay là thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), khi giới thiệu với chúng tôi về chiếc cơi trầu của mẹ Thứ, cô hướng dẫn viên ở Bảo tàng đã không khỏi nghẹn ngào nói: “Đây là vật kỷ niệm của mẹ Thứ tặng nhà báo Huỳnh Trương Phát và nhà báo đã hiến tặng lại cho Bảo tàng khi Bảo tàng khánh thành vào năm 2013 để khách viếng nơi đây có thể nhìn lại cơi trầu của mẹ, nhớ mẹ”. Mới thấy, tấm lòng người xứ Quảng và ở khắp nơi luôn hướng về Mẹ với cảm xúc thiêng liêng, trân quý, với lòng tạc dạ ghi ơn những người mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng sẵn sàng hiến cả tuổi thanh xuân, cả máu xương vì nước nhà.

Trên khắp đất Việt, có hàng vạn người mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Thứ. Mỗi người mẹ là một đức hy sinh, một lòng sắt đá kiên trung. Bên trong Tượng đài là Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng với những câu chuyện cuộc đời, hình ảnh, sự cống hiến của gần 50.000 mẹ Việt Nam anh hùng.

“Mẹ là suối nguồn vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng rồi sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - từ ý tưởng này, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã thể hiện tượng Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong quần thể kiến trúc khu Tượng đài còn có 8 trụ huyền thoại ở hai bên cổng vào; mỗi trụ cao hơn 11 mét có đường kính 1,2 mét và tất cả đều làm bằng đá hoa cương. Trên các trụ huyền thoại khắc họa hình ảnh các mẹ Việt Nam anh hùng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn… với những nét điêu khắc nghệ thuật. Đặc biệt nơi đây còn có đài ghi công tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

 

3-1434c
Khuôn viên xanh trong quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, từ những ngày đầu tháng 7 tới nay, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người đến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. “Địa chỉ đỏ’ mới trên hành trình du lịch xứ Quảng luôn có nhiều người dân và du khách dừng chân viếng thăm hơn trong những dịp lễ lớn, như trong dịp lễ 30/4-1/5 trước đó, mỗi ngày cũng có hàng trăm lượt xe lữ hành đưa hàng ngàn lượt du khách đến.

Từ trên đỉnh núi Cấm, tham quan Tượng đài Mẹ Việt Nam, thưởng ngoạn quang cảnh núi non trong cảm thức về lịch sử, văn hóa truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam thực sự là một trải nghiệm lắng đọng bao cảm xúc trong lòng người “về nguồn”.

Khánh Hiền