Tết trên vùng “đất chết”... (Kỳ 1)

Trong cái tiết xuân phơi phới, tôi tìm đến Sà Phìn, nơi có dinh thự của ông vua Mèo Vương Chí Sình và cũng là nơi được coi là vùng nha phiến, “đất chết” một thời của Hà Giang để đón tết cùng người Mông.

Tết ngày một đến gần, cứ độ này lên Hà Giang rồi từ đó mà lên tiếp thung lũng Sà Phìn, mưa xuân đã bắt đầu rây bụi trên đá núi, nhiệt độ cũng nhích dần lên. Mùa này ở Cao nguyên đá Hà Giang có thể coi là mùa của các loại hoa. Dọc đường từ Quản Bạ, qua Yên Minh, đến Đồng Văn rồi vào Sà Phìn… hoa miên man nở!

 

Thung lũng Sa Phìn ngày nay

Thung lũng Sa Phìn ngày nay
Trên núi là hoa sở trải mầu trắng ngần, hoa đào phai bung cánh khoe sắc khắp các đường cua. Dưới mặt đất cũng cơ man nào là hoa bạc hà với mầu tím phớt, hoa tam giác mạch với mầu hồng đỏ, hoa cải cay với màu vàng ruộm… 
 

Quá khứ một thời

 

Mùa này tìm lên Sà Phìn người ta thấy xuân mới đã hiển hiện mồn một vì người Mông rất quý tết và tổ chức tết khá sớm. Những cây đào phai đã nở cánh khắp các bờ rào đá, dọc đường vào các xã. Bên sắc hoa đào là những sắc váy áo xông xênh của các thiếu nữ Mông. Chưa đâu tôi thấy không khí tết nhộn nhịp, gần gụi như ở nơi này. Tiếng khèn Mông réo rắt, những bài hát “tìm vợ tìm chồng” với lời ca “Cú cò, nhỉa cò, cú nhỉa cò, lỉnh tè, ấy mỷ…” (Anh và em, em và anh yêu nhau. Chúng mình cùng nhau vào rừng hái hoa) của trai gái người Mông đã vang lên khắp triền đá. Tạo ra một sự gần gụi! Các nhà dân trong xã lá dong, gạo đỗ và các loại thực phẩm đã “tìm về” nơi góc bếp, chỉ chờ gói gém và xào nấu là có cái đãi bạn và đón xuân.

 

Trên con đường cùng tôi vào xã, trong câu chuyện, Vàng Mý Chơ, công an huyện Đồng Văn, một người Mông gốc của Sà Phìn đưa tôi quay trở về quá vãng những ngày trước ở đây. Ngày ấy, nhắc đến thuốc phiện ở tuyến Đông và Tây Bắc Việt Nam không những chỉ người trong nước mà đến các nước cận kề có “thế mạnh về thuốc phiện” như Miến Điện, Lào, Thái Lan đều không thể quên được sản lượng cũng như chất lượng của thứ cây này trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Và ở cái cao nguyên ngút ngàn đá, ngút ngàn những bông hoa 5 mầu đầy quyến rũ có tên thuốc phiện này thì xã Sà Phìn lại luôn vươn lên đứng ở “tốp” đầu tiên.

 

Những ngày đen tối ấy, sản lượng và chất lượng của thứ cây này ở Sà Phìn thì khỏi đâu phải chê. Người Sà Phìn đã lấy đó làm tự hào và chọn nó làm cây mưu sinh chính. Thuốc phiện được gieo trồng đại trà. Thuốc phiện lấn lướt các cây trồng khác. Mầu xanh ngăn ngắt đến mỡ màng của loại cây này đã kéo dài, che khuất đá núi, từ thung sâu đến đỉnh cao thăm thẳm của núi. Chỗ nào có đất là được tận dụng trồng, thuốc phiện chen gốc vào cả những hố đất chỉ bằng bụm tay trẻ.

 

Cũng ngày ấy, vào cữ độ này, nếu tìm lên Sà Phìn đâu đâu cũng thấy hoa thuốc phiện rung rinh khoe sắc cùng những bộ váy áo thổ cẩm đẹp đến mê hồn của các thiếu nữ Mông trắng đang mải mê trích trổ nhựa. Thứ nhựa nâu đầy quyến rũ và đầy tai họa ấy đã theo những chiếc lù cở tỏa về các xóm bản sau mỗi ngày làm việc. Thuốc phiện được giắt khắp nơi trong nhà, từ vách đá đến các gác bếp bám đầy bồ hóng. Thuốc phiện được lưu giữ trong chum vại rồi lại theo các bắp chân trắng mập đến nõn nà của các cô gái Mông xuống những chợ phiên.

 

Cũng những ngày ấy, vào độ tết, bất cứ cán bộ hay người dân vùng xa đến đây chơi và chúc tết, ngoài rượu ngô, thắng cố thì thuốc phiện là cái đầu tiên được đưa ra đãi khách. Mặc sức hút, mặc sức say, hút và say đến bao nhiêu ngày cũng được vì thuốc phiện ở đây dạo ấy quá nhiều.

 

Thế nhưng niềm tự hào, sự vui sướng từ cái thứ nhựa rẻo quẹo ấy chưa được là bao thì hậu họa đã tìm đến “gõ cửa” Sà Phìn. Nghiện hút đã tăng nhanh theo cấp độ. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi toàn bộ cánh thanh niên trai tráng của xã Sà Phìn đều lâm cảnh “chân co, chân duỗi” nằm dài nơi xó bếp, bậu cửa vì vật thuốc. Thuốc phiện đã lấy đi tỉnh táo trong những cái đầu của các cơ thể tráng kiện. Lấy đi tiếng khèn, lời ca tìm bạn sau mỗi mùa xuân. Thuốc phiện đem đến sự suy kiệt sức khỏe.

 

Những bước chân trần khỏe khoắn, phăm phăm đạp đá núi để chơi xuân, chơi tết mỗi độ đã bị thuốc phiện làm cho run rẩy. Không thể leo núi, leo đá để thăm bạn, chúc tết và lao động sản xuất nữa. Những cơ thể khỏe khoắn nhanh chóng trở thành thân tàn ma dại. Cái đầu tiên mà Sà Phìn phải trả giá là đã mất đi một lực lượng lớn những lao động và đồng nghĩa với việc này là toàn xã mất đi một sản lượng lớn lương thực cho mỗi năm.

 

Thuốc phiện gắn liền với nghèo nàn và cơ cực

Thuốc phiện gắn liền với nghèo nàn và cơ cực
 

 

Ngày này, xã Sà Phìn nhỏ xíu, theo thống kê đã có tới 44 thanh niên trai tráng, trong đó có cả người già nghiện hút. Thống kê thì vậy thôi chứ những ngày này hầu như toàn bộ thanh niên trong xã đều nghiện hút. Vì nghiện hút nên một thời xã được “mệnh danh” là vắng bóng thanh niên. Xuân là ngày vui nhất, là ngày người ta tìm đến với nhau để chúc tết nhưng ở Sà Phìn những xuân này chỉ thấy phụ nữ và trẻ em ngoài đường còn lớp đàn ông đã bị tê liệt bởi thuốc phiện.

 

Nghiện hút làm tăng đến chóng mặt các hộ nghèo. Đau đớn hơn đi cùng đói nghèo là tình trạng trộm cắp. Người Mông trắng ở vùng Cao nguyên đá này rất húy kỵ với chuyện trộm cắp ấy thế mà từ ngày bị khói thuốc vây hãm thì tình trạng trộm cắp đã nẩy sinh. Những ngày này, ngoài khói thuốc phiện thì thung lũng Sà Phìn còn mịt mù khói thuốc súng bởi những cuộc cướp thuốc thanh toán nhau. Thuốc phiện đã gieo họa thực sự và người ta không dám đoán định những định mệnh khắc ngiệt tiếp theo cho thân phận người Sà Phìn nữa. Những năm này, mùa xuân ở Sà Phìn buồn hơn bao giờ hết!

 

(Còn nữa)

 

Theo Văn Quân

VTV