Tại sao Từ Hy thái hậu mỗi bữa phải dùng 100 món ăn, hàng trăm người hầu?
(Dân trí) - Không chỉ nổi tiếng vì quyền lực, những giai thoại về Từ Hy thái hậu vẫn còn được hậu thế và bàn luận. Ngày nay, nhiều chuyên gia phân tích đã đưa ra những lý giải hợp lý để giải thích nguyên nhân.
Từ Hy thái hậu (1835 - 1908) thường được gọi là Từ Hy Hoàng thái hậu. Bà vốn là phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế, mẹ đẻ của Đồng Trị Hoàng đế. Ngay cả khi Hoàng đế Đồng Trị và Quang Tự còn tại vị, người phụ nữ này vẫn nắm toàn quyền suốt 47 năm.
Từ Hy thái hậu là một trong những người phụ nữ bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa. Các nhà sử học, chuyên gia phân tích cho rằng, bà chính là nguyên nhân khiến triều Thanh lâm vào con đường suy vong.
Không chỉ là người phụ nữ quyền lực nổi tiếng của triều đại phong kiến Trung Quốc, xung quanh Hoàng hậu Từ Hy còn rất nhiều giai thoại khiến hậu thế quan tâm và bàn luận. Một trong số đó là nhu cầu ẩm thực thể hiện lối sống xa hoa bậc nhất đã trở thành chủ đề hấp dẫn khiến người đời tò mò và kinh sợ.
Từ những thói quen ăn uống xa xỉ và cầu kỳ
Dưới triều đại nhà Thanh, mỗi bữa ăn của giới Hoàng tộc đều do phủ nội vụ đảm nhận. Người của phủ nội vụ phụ trách phòng bếp, phòng trà, phòng bánh, kho thực phẩm, đồ uống... Người hầu đảm nhận ở vị trí này đều được tuyển chọn rất gắt gao.
Riêng tới thời Từ Hy thái hậu, gian bếp riêng của bà là nơi tập trung những vị đầu bếp giỏi nhất Trung Hoa thời điểm đó. Đây cũng là nơi được cung cấp nguyên liệu hàng cực phẩm từ khắp nơi gửi về để tạo ra vô số món ngon với nhiều cách chế biến cầu kỳ.
Sử sách ghi lại, mỗi ngày, người phụ nữ quyền lực này sẽ có 2 bữa ăn chính với hơn 100 món chế biến công phu, 2 bữa ăn nhẹ từ 40 - 50 món. Thời gian biểu của bà được sắp xếp rất khoa học, trong đó coi trọng nhất bữa sáng. Bởi vậy, bữa ăn này cần đảm bảo từ khâu nguyên liệu cho tới chế biến.
Theo quy định, bữa chính phải gồm 100 món khác nhau. Khi thái hậu dùng bữa, thái giám thân cận sẽ là người giới thiệu từng món ăn và gắp cho bà những món vừa ý. Với khối lượng thức ăn khổng lồ như vậy, bà chỉ ăn vài món, mỗi món từ một tới hai miếng là tối đa.
Phần thức ăn thừa sẽ đổ đi hoặc thưởng cho cung nữ, thái giám. Hầu hết trong số chúng, các món gần như còn nguyên như lúc mới dâng lên.
Cho tới sự thực phía sau bữa ăn 100 món ăn, cả trăm người hầu
Nhiều người từng đặt câu hỏi, sức ăn một người không thể nào hết thực đơn 100 món. Cho dù mỗi món ăn thử một miếng chăng nữa, thái hậu cũng không thể thử hết trong một bữa. Vậy tại sao bà phải lãng phí thực phẩm đến vậy?
Ngày nay, nhiều chuyên gia phân tích đã đưa ra những lý giải hợp lý để giải thích nguyên nhân sâu xa.
Lý do đầu tiên đến từ thói quen lối sống xa hoa của chính vị thái hậu này. Không chỉ vấn đề ẩm thực, nhiều phương diện khác trong cuộc sống bà đều chi tiêu hoang phí không tiếc ngân lượng. Với một người đứng trên vạn người như Từ Hy thái hậu, đây cũng là cách để bà thể hiện thân phận cao quý, không ai bì kịp.
Lý do thứ 2 cũng là nguyên nhân chính. Đây là cách thái hậu tự bảo vệ tính mạng chính mình.
Từ cổ chí kim, các bậc quân vương khác trong nhiều triều đại Trung Hoa đều dùng cách này để phòng thân. Càng ở vị trí cao nhất, họ càng biết cách che giấu bản thân. Một trong số đó chính là không được để lộ thói quen ăn uống.
Từ những vị Hoàng đế danh tiếng qua các vương triều, không tài liệu nào ghi lại về sở thích, món ăn ưa chuộng của các vị quân vương.
Từ Hy thái hậu cũng phải dùng cách này để những kẻ có dã tâm không có cách nào hạ độc. Ngay cả những thái giám, người hầu thân cận nhất bên thái hậu cũng không biết được sở thích ăn uống của bà. Việc bàn luận điều này cũng là phạm thượng, sẽ bị quy vào tội chết.
Cách sắp xếp các món ăn trên bàn dâng thái hậu cũng không xếp theo quy luật nào. Thái hậu sẽ tự ý chỉ các món để thái giám dâng tới. Những món của hôm sau sẽ không được trùng lặp với hôm nay. Và đương nhiên, trước khi thái hậu nếm thử, một thái giám sẽ làm nhiệm vụ thử món ăn trước. Bởi vậy, không ai đoán được thái hậu quyền lực này thích gì và sẽ chọn món nào.