Tại sao Ấn Độ khó thay thế khách Trung Quốc ở thị trường Đông Nam Á?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, kỳ vọng du khách Ấn Độ sẽ thay thế sự thiếu vắng của khách Trung Quốc trên thị trường, nhưng thực tế ra sao?

Trung Quốc vốn là thị thường cung cấp lượng khách du lịch đông nhất cho thị trường Đông Nam Á trước đại dịch, nhưng chính sách zero Covid của chính phủ nước này khiến làn sóng du lịch xuống tới mức nhỏ giọt.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã kỳ vọng lượng khách từ Ấn Độ gia tăng sau đại dịch, phần nào lấp đầy khoảng trống do khách Trung Quốc để lại, nhưng điều này vẫn khiến các chuyên gia nghi ngờ.

Nguyên nhân do đâu?

Đầu tiên, hãy nhìn sang thị trường Singapore. Quốc gia này đón 1,4 triệu khách Ấn Độ vào năm 2019. Nhưng trong nửa đầu năm nay, trong số 1,5 triệu khách quốc tế đến đảo quốc này, chỉ 219.000 khách Ấn Độ. Trong khi đó, khách Trung Quốc vào khoảng 17.000 lượt. Đây là con số "quá khiêm tốn" so với 3,6 triệu người Trung Quốc từng tới Singapore vào năm 2019.

Tại sao Ấn Độ khó thay thế khách Trung Quốc ở thị trường Đông Nam Á? - 1
Nhóm khách Ấn Độ tới thăm Pattaya, Thái Lan vào năm 2019 (Ảnh: Shutterstock).

Không chỉ riêng Singapore, sự vắng bóng khách Trung còn thấy rõ trên khắp thị trường Đông Nam Á. Đơn cử như Thái Lan từ chỗ đón hơn 11 triệu khách ở quốc gia này trước đại dịch, trong năm nay chỉ còn vài nghìn; Indonesia từ 2 triệu xuống còn 20.000 nghìn, hay Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự.

Để lấp đầy khoảng trống, nhiều quốc gia Đông Nam Á tăng cường các hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách Ấn Độ. Nhưng nhìn vào thị trường Singapore, nơi đón số lượng khách Ấn đông nhất khu vực này, cho thấy kỳ vọng trên khó lòng thành sự thực.

Các học giả và chuyên gia tư vấn du lịch cùng chung quan điểm, mặc dù thị trường Ấn Độ đang tiềm năng và ngày càng quan trọng với Đông Nam Á, nhưng không thể bù đắp cho sự thiếu vắng của khách Trung, ít nhất trong ngắn hạn.

Như tại thị trường Singapore, các chuyên gia nhận định "khả năng chi tiêu của du khách Ấn Độ là một trong những thách thức". Bởi đảo quốc này vẫn được coi là "điểm đến du lịch cấp cao hơn".

Kevin Cheong, quản lý của Công ty tư vấn du lịch Syntegrate LLP, nhận định, khách Trung Quốc có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn khách Ấn Độ và "sẵn lòng trả nhiều tiền hơn trong các kỳ nghỉ".

Tại sao Ấn Độ khó thay thế khách Trung Quốc ở thị trường Đông Nam Á? - 2
Khách Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong thị trường du lịch ở nhiều quốc gia (Ảnh: AFP).

"Nếu hướng tới khách Ấn Độ thì đối tượng khách hàng cấp trung có thể không thấy Singapore là điểm hấp dẫn vì chi phí cao. Ví dụ, giá phòng trung bình ở Singapore đang tăng lên mức cao nhất trong 10 năm, gần 200 USD/đêm vào tối thứ 7. Khách sạn 5 sao có giá từ 344USD/phòng".

Theo Kevin Cheong, một vấn đề khác với khách Ấn là kết nối vận chuyển. "Ở Ấn Độ, nếu tôi cách sân bay 100km có khi phải mất cả ngày mới tới nơi. Trong khi tại Trung Quốc, hệ thống giao thông thuận lợi tới mức chỉ mất chừng 45 phút tới một tiếng. Điều này cho thấy khả năng kết nối nội bộ và tiếp cận các sân bay quốc tế ở Trung Quốc tốt hơn, hạn chế lượng khách Ấn Độ tầm trung du lịch ở nước ngoài", Kevin Cheong nhận xét.

Benjamin Cassim, giảng viên cao cấp tại khoa khách sạn và du lịch thuộc Đại học Bách khoa Temasek, nhận định, nếu so sánh trong ngưỡng bay 5 tiếng hoặc lâu hơn để tới các điểm ở khu vực Đông Nam Á, khách Ấn Độ có nhiều lựa chọn khác hơn, như Dubai chẳng hạn. Ngoài ra còn có thêm sự cạnh tranh của nhiều điểm đến đường dài tại châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp hay Italia.

Tại sao Ấn Độ khó thay thế khách Trung Quốc ở thị trường Đông Nam Á? - 3
Nhiều thị trường vẫn đang chờ đợi sự quay trở lại của du khách đến từ Trung Quốc (Ảnh: News).

Trong khi nỗ lực quảng bá du lịch ở các nước đều khởi động, Christopher Khoo, giám đốc điều hành của công ty tư vấn du lịch quốc tế MasterConsult Services, chỉ ra rằng, quảng cáo không thể vượt qua thực tế - kinh tế toàn cầu khó khăn thời hậu đại dịch. 

"Sau 2 năm dịch bệnh kinh tế nhiều quốc gia ảnh hưởng, liên quan trực tiếp tới túi tiền của người dân. Lạm phát nhiều quốc gia rất cao, khủng hoảng địa chính trị tiếp diễn ngăn du khách đặt các chuyến đi cho kỳ nghỉ sắp tới. Do vậy, tôi bi quan về triển vọng phục hồi du lịch như trước đại dịch tới cuối thập kỷ này", ông Christopher Khoo nhận định.

Và vị này cũng cho rằng, Singapore cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, vẫn đang "chờ đợi" khách Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm