Sóc Trăng lần đầu tiên sẽ tổ chức ngày hội bánh Pía
(Dân trí) - Sóc Trăng lần đầu tiên sẽ tổ chức ngày hội bánh Pía tạo điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước khi đến Sóc Trăng cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 12/8, ông Châu Kiến Tường, Phó Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cho biết nhằm tôn vinh nghề làm bánh Pía, nghề truyền thống ở Sóc Trăng cũng như bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, quảng bá thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước, TP Sóc Trăng sẽ tổ chức ngày hội bánh Pía lần thứ I năm 2022.
Theo ông Tường, hoạt động này còn nhằm mục đích đẩy mạnh xúc tiến du lịch, từng bước hình thành đưa ngày hội bánh Pía trở thành hoạt động định kỳ hàng năm vào dịp Tết Trung thu, tạo điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước khi đến Sóc Trăng cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, ngày hội bánh Pía sẽ được tổ chức từ ngày 22/8 đến ngày 10/9 tại Công viên 30/4, TP Sóc Trăng. Ngày hội có các hoạt động, như: giới thiệu gian hàng trưng bày và cung cấp sản phẩm bánh Pía, bánh Trung thu; triển lãm mô hình, hình ảnh bánh Pía đạt kỷ lục; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP…
Ông Châu Kiến Tường cho biết, bánh Pía là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống ở Sóc Trăng. Ngày 30/10, tại lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Dù kê tỉnh Sóc Trăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm và Nghề làm bánh Pía.
Làng nghề truyền thống làm bánh Pía hình thành và phát triển tại Sóc Trăng hàng trăm năm nay. Bánh Pía có hình tròn dẹp, mặt trên có đóng mộc màu đỏ ghi nhãn hiệu, bên trong là phần nhân gồm đường cát, đậu xanh đã bóc sạch vỏ (hoặc khoai môn), mứt, mỡ heo (lợn), sầu riêng, lòng đỏ trứng vịt muối; còn bên ngoài là phần bột màu vàng được làm từ bột mì, tạo thành những lớp vỏ mỏng, xếp chồng lên nhau, có thể dễ dàng lột ra từng lớp (nhiều người còn gọi bánh này là bánh "lột da").
Bánh Pía ban đầu chỉ được sản xuất theo hình thức thủ công, thời gian bảo quản chỉ được một vài ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu của từng gia đình và bán cho những người dân quanh vùng vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Sau đó, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng nên loại bánh này được sản xuất quanh năm, thời gian bảo quản lâu hơn.