Quảng Ngãi: Cần xây dựng thương hiệu quốc tế cho du lịch Lý Sơn
(Dân trí) - Huyện Lý Sơn cần tránh những hoạt động gây tổn thương đến tài nguyên du lịch địa chất, khống chế chiều cao và tạo điểm nhấn cho công trình xây dựng theo cảm hứng từ những ngọn núi lửa có tuổi đời hàng chục triệu năm.
Trên đây là những ý kiến chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo "Phát triển du lịch Lý Sơn" vừa diễn ra tại Quảng Ngãi.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, du lịch; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch...
Báo cáo thực trạng về du lịch Lý Sơn, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết, năm 2016, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt 1.355 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm ước đạt 1.043 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch nhiều năm liền tăng trưởng trên 30%, riêng 7 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 40%. Cơ cấu thương mại dịch vụ tăng từ 21,49% năm 2010 lên 26,11% năm 2016.
Theo ông Vy, bắt đầu từ năm 2014, tốc độ phát triển du lịch của Lý Sơn tăng đột biến. Cụ thể, năm 2016, Lý Sơn đón 165.000 du khách, tăng 37,5 lần so với năm 2010 và 20 lần so với năm 2013. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, huyện đảo Lý Sơn đã đón 210.000 lượt du khách.
Lý giải về tốc độ tăng trưởng "chóng mặt" này, ông Vy nhấn mạnh: "Ngoài những di sản về địa chất, những nét độc đáo về văn hóa, du khách còn đến với Lý Sơn vì tình yêu biển đảo".
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng biểu đồ tăng trưởng du lịch của Lý Sơn gần như "thẳng đứng" là điều đáng mừng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá "nóng" rất dễ làm tổn thương đến những vốn quý mà hòn đảo này được thiên nhiên ban tặng.
Đảo Lý Sơn sở hữu tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo độc đáo và hiếm có
Tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng khá nhanh dễ làm tổn thương tài nguyên địa chất, địa mạo độc đáo của đảo Lý Sơn.
Tham luận tại hội thảo, PGS. TSKH. Vũ Cao Minh - Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhấn mạnh: đảo Lý Sơn sở hữu tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo độc đáo và hiếm có.
Theo khảo sát, đảo Lý Sơn có 10 miệng núi lửa đã được hình thành cách đây hàng triệu năm trước. Ngoài việc tạo nên sự hấp dẫn về mặt địa chất, các đỉnh núi lửa lộ thiên còn đóng vai trò là "đài quan sát" giúp du khách chiêm ngưỡng toàn bộ diện tích đảo Lý Sơn và cả vùng biển rộng lớn xung quanh.
Kiến tạo địa chất còn tạo ra 3 vách đá hùng vĩ, những hang đá núi lửa bị nước biển tác động tạo nên những ngấn mài mòn tự nhiên tuyệt đẹp. Trên các vách đá, những tầng trầm tích núi lửa khác biệt về thành phần kết hợp với nhau trong phạm vi hẹp phản ánh tính dị biệt về mặt địa chất khu vực đối với một vùng không rộng lớn là rất hiếm.
Theo PGS. TSKH. Vũ Cao Minh, tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo trên đảo Lý Sơn tuy độc đáo, hấp dẫn nhưng rất dễ bị tổn thương cả về mặt vật lý lẫn cấu trúc tự nhiên.
Các di sản địa chất, địa mạo trên đảo Lý Sơn thường cấu tạo từ đá trầm tích gắn kết yếu, hoặc từ đá nứt nẻ lại bị phong hóa nên rất dễ sập đổ. Vì vậy việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực di sản hoặc cận kề di sản như lâu nay rất dễ làm hỏng nguồn tài nguyên du lịch quý giá này.
Để bảo vệ và phát huy thế mạnh về địa chất, địa mạo trên đảo Lý Sơn nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, TSKH Vũ Cao Minh, đề nghị: tỉnh Quảng Ngãi cần chú ý đến quy hoạch về độ lớn và chiều cao các công trình trên đảo Lý Sơn. Đảm bảo các công trình xây dựng không lấn át, che khuất tầm nhìn các di sản độc đáo.
Về mặt kiến trúc, cần khuyến khích chủ đầu tư thiết kế công trình có kiểu dáng được lấy cảm hứng từ núi lửa và biển. Đồng thời phải xây dựng thương hiệu quốc tế cho du lịch Lý Sơn nhằm bảo vệ và quảng bá du lịch tại huyện đảo ra thế giới.
Đồng quan điểm về giá trị của du lịch Lý Sơn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ VH-TT-DL), nhận định: Lý Sơn có nhiều giá trị địa chất địa mạo, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa vô cùng đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn hoàn toàn xứng đáng trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách thế giới.
Để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, ông Tuấn đề nghị tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn cần thận trọng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng tránh làm tổn thương các di sản quý giá. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cần có quy hoạch du lịch Lý Sơn, triển khai xây dựng Lý Sơn trở thành hạt nhân của công viên địa chất toàn cầu, đi liền với đó là việc gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của cư dân đất đảo.
"Với mật độ dân số đông khoảng 22.000 người, trọng tâm phát triển du lịch phải chú trọng vào du lịch cộng đồng. Ở Lý Sơn không nhất thiết phải có các dự án công trình lớn vì quỹ đất rất hạn chế. Đối với phát triển các sản phẩm du lịch, huyện đảo cần có các sản phẩm tái hiện miệng núi lửa nhằm tạo đặc trưng cho du lịch Lý Sơn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Hà Xuyên