Quảng bá du lịch Việt: Ít tiền và thiếu chuyên nghiệp

(Dân trí) - “Đúng là chúng ta ít tiền làm quảng bá, nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào? Chúng ta đã sử dụng tiền đó hết trách nhiệm chưa? Đúng mục đích chưa? Chúng ta có rất nhiều việc phải làm với số tiền ít ỏi đó”.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch khẳng định trong cuộc phỏng vấn riêng với PV Dân trí chiều ngày 25/3 xung quanh câu chuyện về công tác quảng bá du lịch Việt Nam.
 
PGS.TS Phạm Trung Lương:
PGS.TS Phạm Trung Lương: "Thị trường du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu là tăng tự nhiên, lchứ không phải nhờ công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch".

 
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2015 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Có phải do công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch của Việt Nam còn yếu?

Có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm, nhưng sâu xa là sự yếu kém của ngành du lịch. Từ bao năm nay công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam vẫn “như xưa”, không có sự chuyển biến nhiều. Một điều dễ nhận thấy rằng, khi thị trường gặp trục trặc từ nguyên nhân khách quan thì lượng khách đến Việt Nam giảm ngay. Điều này chứng minh rằng công tác quảng bá của chúng ta rất yếu nên khi thị trường thế giới sụt giảm thì chúng ta bị ảnh hưởng ngay. Thị trường Nga và Trung Quốc là một ví dụ mới đây.

Thị trường du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu là tăng tự nhiên. Các kết quả điều tra cho thấy lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam từ xưa đến nay chủ yếu là qua truyền miệng, người này giới thiệu cho người kia, chứ không phải do công tác quảng bá của ngành du lịch.

Cần phải biết thị trường cần gì để triển khai việc quảng bá hiệu quả.
"Cần phải biết thị trường cần gì để triển khai việc quảng bá hiệu quả".

Câu chuyện khó khăn của công tác quảng bá xúc tiến lâu nay thường được nhắc tới là tiền. So với các nước trong khu vực chúng ta có quá ít kinh phí để làm quảng bá, vậy theo ông đây có phải là nguyên nhân chính?

Đầu tiên phải nói là ngành du lịch làm không chuyên nghiệp. Đúng là chúng ta ít tiền làm quảng bá, nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào? Chúng ta đã sử dụng đồng tiền đó hết trách nhiệm chưa? Đúng mục đích chưa? Chúng ta có rất nhiều việc phải làm trong số tiền ít ỏi đó. Chúng ta không nên sử dụng đồng tiền đó theo chủ nghĩa quân bình.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch của ta cũng không được cải thiện nhiều, khách đến Việt Nam chủ yếu là tham quan, khám phá chứ chưa phải nghỉ dưỡng. Thời gian lưu trú của khách đến Việt Nam từ lâu lắm rồi cũng không được cải thiện. Lượng khách quay lại Việt Nam và lưu trú dài ngày vẫn chủ yếu là khách hội nghị, hội thảo. Chúng ta chưa có một sản phẩm nào để thu hút khách ở lại với chúng ta lâu hơn. Cùng với đó, ngành du lịch chúng ta vẫn chưa làm bài bản, các nghiên cứu về thị trường cũng không bài bản, các nghiên cứu để đưa ra chiến lược quảng bá đối với các thị trường rất sơ lược máy móc, chưa đi vào thực tế dẫn đến thực trạng hôm nay.

Vậy theo ông đâu là giải pháp để ngành du lịch Việt Nam cải thiện được công tác này?

Vậy theo ông đâu là giải pháp để ngành du lịch Việt Nam cải thiện được công tác này?

Tất cả phải được mổ xẻ, làm lại nghiêm túc một cách chuyên nghiệp hơn. Trong việc quảng bá hình ảnh du lịch thì yếu tố đầu tiên là thị trường, chúng ta phải biết thị trường cần gì để mình xây dựng quảng bá, mình phải có sản phẩm thật để giới thiệu cho khách, cho bạn bè đối tác. Nhưng từ bao lâu nay chúng ta vẫn chỉ giới thiệu chung chung, hời hợt. Chúng ta phải xác định rằng trước khi đi quảng bá tại hội chợ phải xem họ cần gì để mình mang đi. Nhưng từ trước đến nay chúng ta có bao giờ làm theo xu hướng này.

Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải làm quyết liệt hơn nhiệm vụ xúc tiến thì mới có hy vọng đuổi kịp được các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, trên thực tế những người quản lý du lịch của chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi đi hội chợ, Tổng cục Du lịch phải trình đề án duyệt lên duyệt xuống, xin hết ý kiến này đến ý kiến khác thì lấy đâu ra thời gian để tập trung làm việc khác. Người ta đi hội chợ phải chuẩn bị cả năm, đằng này chúng ta đi hội chợ thời gian chuẩn bị đã không nhiều lại còn phải bao nhiêu thủ tục hành chính,… dẫn đến việc chuẩn bị cũng chưa được chu đáo, kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông đã dành cho Dân trí cuộc phỏng vấn này!


Thu Hà – Hữu Thắng (thực hiện)
 
Bạn đọc có góp ý, chia sẻ về thực trạng, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam cũng như đóng góp để ngành du lịch Việt Nam phát triển, xin gửi về địa chỉ: dulich@dantri.com.vn
 
Xin trân trọng cảm ơn!