“Công tác quảng bá du lịch của chúng ta ngày càng lùi xa…”
(Dân trí) - Những vấn đề bất cập trong công tác quảng bá, xúc tiền của du lịch Việt Nam và một số giải pháp cơ bản để đưa du lịch Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn,… đã được ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn chia sẻ.
Từ lâu, đã có rất nhiều luồng ý kiến xoay quanh công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Là người có chuyên môn cao và nhiều năm công tác trong ngành, ông đánh giá thế nào về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn chia sẻ về các vấn đề liên quan đến công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam.
Tôi có cảm giác công tác quảng bá của chúng ta càng ngày càng lùi xa. Ngay ở trong khu vực chúng ta thua cả Campuchia và gần như “đội sổ”, chắc có khi chỉ xếp ngang ngửa hoặc hơn Lào, Myanmar. Tuy nhiên, thời gian gần đây Myanmar đã có sự bứt phá đáng kể. Nhiều gian hàng tại hội chợ du lịch của đất nước này hơn hẳn ta. Vấn đề là tại sao chúng ta không làm được như các nước láng giềng? Tôi hy vọng hội thảo tới đây trong khuôn khổ VITM 2015 vấn đề này sẽ được lãnh đạo tổng cục, các chuyên gia, các doanh nghiệp và cả người dân,… chia sẻ thắng thắn để tìm hướng giải quyết.
Chúng ta cần phải học tập cách làm của Hàn Quốc, Nhật Bản và ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan. Một thực tế là với các nước có ngành du lịch phát triển họ có cơ quan đại diện của ngành du lịch ở khắp các nơi trên thế giới. Công tác xúc tiến họ làm rất quyết liệt. Trong đó có thể coi Thái Lan là mô hình quảng bá hình ảnh du lịch thành công nhất trong khu vực. Hàn Quốc cũng thế, họ luôn thể hiện được vị thế đất nước có tầm vóc trên thế giới. Rồi các nước khác họ làm quảng bá cũng rất bài bản. Chúng ta nên tham khảo, học hỏi một cách nghiêm túc cách làm của nước bạn.
Theo ông đâu là nguyên nhân cơ bản, khiến hoạt động quảng bá của chúng ta chưa đạt hiệu quả?
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác quảng bá của chúng ta yếu, không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Thứ nhất là việc đầu tư từ phía nhà nước cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch quá ít. Quỹ giành cho xúc tiến quảng bá du lịch của một đất nước lại quá nhỏ bé, thậm chí chỉ bằng kinh phí quảng bá của một doanh nghiệp có tầm cỡ.
"Chúng ta chưa có chuyên môn, nghiệp vụ cao trong công tác quảng bá, dẫn đến hiệu quả không như kỳ vọng,..."
Cùng với đó, nghiệp vụ của những người trực tiếp làm công tác quảng bá chưa cao. Năm nay chúng ta giao cho đơn vị này thực hiện, sang năm chúng ta lại giao cho đơn vị khác làm giống như sự chia phần,... Thử hỏi khi nào chúng ta mới có tính chuyên môn, kinh nghiệm? Chúng ta cũng không có sự liên kết thống nhất. Mối liên kết giữa hàng không, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cả hiệp hội rất rời rạc. Việc xây dựng hình ảnh đất nước, quy mô gian hàng,... tại các hội chợ du lịch trên thế giới cũng không có tính thống nhất.
Có một thực tế là đã hơn 20 năm nay, ngành du lịch Việt Nam trình với Chính Phủ xin thành lập văn phòng đại diện tại nước ngoài nhưng đến giờ chúng ta chưa có một văn phòng nào, ngoài một văn phòng đại diện tại Nhật Bản do Hiệp hội Du lịch khởi xướng. Trong khi luật du lịch quy định rằng, cơ quan du lịch phải có văn phòng tại nước ngoài, nhưng luật đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nay song chúng ta vẫn không làm được. Đây có thể coi là một thiệt thòi của ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam cần cải thiện theo cách nào để công tác quảng bá hình ảnh du lịch đạt hiệu quả cao thưa ông ?
Hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta cần phải nâng cao chuyên môn chất lượng phục vụ, sản phẩm du lịch, đội ngũ làm du lịch và cả công tác quảng bá xúc tiến du lịch,… thì lúc đó Việt Nam mới hy vọng đuổi kịp với các nước trong khu vực. Nhà nước cũng cần phải đầu tư đúng chỗ cho hoạt động quảng bá xúc tiến của lĩnh vực này. Chúng ta nên triển khai nhiều văn phòng đại diện của ngành du lịch tại nước ngoài, càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng văn phòng này là nơi xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam chứ không phải là cơ quan hành chính mà ta thường thấy ở Việt Nam. Nếu chưa đủ điều kiện thì trước mắt hãy chọn một vài quốc gia có thị trường trọng điểm để thúc đẩy hoạt động quảng bá. Tôi hy vọng nếu tất cả các vấn đề được giải quyết một cách quyết liệt thì trong khoảng 5 năm nữa chúng ta sẽ đuổi kịp các nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hữu Thắng – Thu Hà (thực hiện)