Quảng Nam:

Quần thể sưa trăm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 5/4, UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam tổ chức đón nhận bằng công nhận cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 9 cây giáng hương ấn; tên thường gọi ở địa phương là cây sưa, tại làng Hương Trà.

Làng Hương Trà thuộc phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Làng được hình thành khoảng từ đầu thế kỷ XVI. Làng nằm ngay ngã ba, được ôm ấp bởi các con sông Tam Kỳ - Kỳ Phú nên đất đai màu mỡ, ruộng vườn xanh tốt.

Trong những năm kháng chiến, vùng đất Hương Trà có phong trào cách mạng lớn mạnh và là nơi đóng căn cứ hoạt động của đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ.

Quần thể sưa trăm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam - 1

Quần thể sưa tại làng Hương Trà, thành phố Tam Kỳ được công nhận cây Di sản Việt Nam (Ảnh: Công Bính).

Tại ngôi làng này tồn tại quần thể cây sưa - giáng hương ấn có tuổi đời trung bình hơn 100 năm, trong đó có 12 cây cổ thụ với độ tuổi trên 200 năm nhờ công sức của nhân dân Hương Trà qua các thế hệ đã trồng, gìn giữ và phát triển.

Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa giá trị của quần thể cây sưa cổ thụ tại làng Hương Trà, tạo điểm đến cho du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị tài nguyên bản địa, tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, UBND thành phố Tam Kỳ cùng với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiến hành khảo sát và lập hồ sơ đề nghị công nhận cây Di sản Việt Nam.

Quần thể sưa trăm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam - 2

9 cây sưa làng Hương Trà được công nhận cây Di sản Việt Nam (Ảnh: Công Bính).

Theo những người dân trong làng, hàng sưa vàng chính là niềm tự hào của người dân nơi đây. Chính trong quá trình lập đất, lập làng, để bảo vệ nhà cửa, làng mạc, để giữ gìn hệ thống giao thông các bậc tiền nhân đã lựa chọn cây sưa vàng để trồng trước nhà, trong vườn, dọc bờ đê làng... tạo không gian làng Hương Trà nổi bật với 2 hàng sưa xanh biếc trên con đường làng.

Hương hoa sưa bay theo gió thoảng thơm xa cả vùng, nên người dân ở đây còn gọi là cây cửu lý hương. Nơi đây còn có cây chè gấm, nấu với nước uống rất thơm ngon. Tên làng Hương Trà được chọn từ ý nghĩa của vùng đất tỏa hương sưa thơm và ấm nồng chè gấm.

Quần thể sưa trăm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam - 3

Làng sưa Hương Trà nằm bên sông Tam Kỳ, thuộc phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ (Ảnh: Công Bính).

Nhận diện giá trị của loại cây bản địa này nên đến nay thành phố Tam Kỳ đã trồng trên các tuyến phố, không gian công cộng với khoảng gần 2.000 cây.

Tháng 4 hàng năm là dịp chính quyền địa phương tổ chức lễ hội "Tam Kỳ - Mùa hoa sưa" nhằm phát triển du lịch sinh thái làng Hương Trà nói riêng và thành phố Tam Kỳ nói chung.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ - cho hay, vườn sưa làng Hương Trà được công nhận cây Di sản Việt Nam là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ nói chung và làng Hương Trà, phường Hòa Hương nói riêng.

Việc công nhận quần thể sưa làng Hương Trà là cây Di sản Việt Nam là dấu mốc quan trọng đối với việc bảo tồn, giữ gìn, phát triển giá trị của quần thể cây sưa cổ thụ, tạo điểm đến cho du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị tài nguyên bản địa, tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái Hương Trà ở tầm cao hơn.

Quần thể 9 cây sưa vàng làng Hương Trà được công nhận cây Di sản Việt Nam đã làm tôn vinh thêm các giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng Tam Kỳ. Đây cũng chính là yếu tố góp phần tạo nên bản sắc và thương hiệu của đô thị Tỉnh lỵ Tam Kỳ với nền tảng "Xanh - văn hóa lịch sử và thông minh".