Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải "khom lưng, cúi đầu"

Thanh Thúy

(Dân trí) - Để vào được quán cà phê phố cổ, du khách phải đi xuyên qua một cửa tiệm thời trang, rẽ vào con ngõ nhỏ sâu 200m. Bên trong, khoảng sân bình yên mở ra như một thế giới khác.

Đi xe máy xuyên qua giữa lòng nhà một cửa tiệm quần áo, Minh Phương lẩm bẩm "liệu người ta có mắng mình không?". 

Cô lo lắng vì cửa tiệm trông rất nhỏ, khi xe máy đi qua thì người bán hàng, khách mua hàng đang đứng trong tiệm phải lách sang một bên để nhường đường. Tiếng động cơ xe máy cũng làm ồn cả căn nhà.

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Quán cà phê nằm trên phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhưng phải xuyên qua một tiệm quần áo (Ảnh: Inside).

Phải đi xe vào đến khoảng sân bên trong, Phương mới yên tâm thở phào, phần vì không bị mắng, phần vì không gian bên trong quán cà phê khiến cô choáng ngợp.

Quán cà phê cổ nằm trên con phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sầm uất bậc nhất thủ đô, nhưng nếu không hỏi đường, ít ai đi qua đây có thể nhận ra. Lối đi qua cửa hàng quần áo là cách duy nhất để vào được quán. Chính vì thế nhiều người nói vui, để vào được quán khách phải "khom lưng, cúi người".

Đây vốn là căn nhà có tuổi đời 105 năm, ngôi nhà là tài sản của tổ tiên gia chủ để lại, được xây dựng vào năm 1918 rồi truyền từ đời này qua đời khác. Hiện nay, căn nhà này vừa là nơi sinh sống, vừa là nơi kinh doanh của vợ chồng cô Đào Bích Loan (61 tuổi).

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Không gian bên trong quán khiến du khách nào đến đây cũng phải trầm trồ. Sự cổ kính và bình yên này tách biệt hoàn toàn với nhịp sống đô thị chỉ sau một con ngõ 200m (Ảnh: Thanh Thúy).

Cô Loan, chủ nhà, cũng là chủ quán cà phê, cho biết, quán do hai vợ chồng mở cửa từ năm 1998. "Hồi đó, bạn bè thấy nhà có khoảng sân rộng nên hay đến tụ tập, thư giãn mỗi cuối tuần. Được bạn bè gợi ý, tôi thấy ý tưởng mở quán cũng khá hay nên hai vợ chồng thử sức", cô Loan nói.

Khi mở quán, cô Loan mong muốn tạo ra không gian gần gũi để bạn bè ghé chơi hay khách vào uống cà phê đều cảm thấy thoải mái như ở nhà. Ngôi nhà cổ sẽ được giữ gìn nguyên vẹn kết cấu và kiến trúc cổ xưa, chỉ kê thêm bàn ghế vào những khu vực trống.

"Hồi đó chưa nhiều khách du lịch nên chỉ nghĩ đơn giản là nhà cổ thì phải giữ gìn. Càng về sau, khi khách nước ngoài đông hơn, tôi mới nhận thấy hóa ra chính sự đơn giản, truyền thống và cảm giác gia đình này biến nơi đây thành một điểm đến độc nhất ở Hà Nội", chủ quán chia sẻ.

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Những vị khách tuổi trung niên đến quán đa phần là khách quen nhiều năm. Họ coi quán như nhà mình, thoải mái chuyện trò (Ảnh: Thanh Thúy). 

Quán cà phê có diện tích gần 150m2, mang lối kiến trúc nhà cổ Việt Nam. Thiết kế chia làm 3 gian, gồm: Gian chính, giữa và gian sau. Gian chính bố trí phòng khách và hiên nhà. 

Gian giữa là khoảng giếng trời nối liền với khu vực nhà phía sau. Đây là nơi để khách gọi đồ, được trưng bày những bức hoành phi, câu đối cổ. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất ấn tượng và thích thú với khu vực này.

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Quầy gọi đồ uống đặt tại gian giữa của căn nhà (Ảnh: Thanh Thúy).

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Khu vực này về sau được chủ nhà cải tạo, xây thêm tầng lửng phù hợp du khách thích sự yên tĩnh, tìm về chốn xưa cũ (Ảnh: Thanh Thúy).

Gian sau gồm bốn tầng, trong đó, tầng một và tầng hai là nơi sinh hoạt chung của gia đình cô Loan. Tầng ba, bốn là không gian cà phê trong nhà và ngoài trời. để đến đây, du khách sẽ đi qua một chiếc cầu thang xoắn ốc, hẹp và dựng đứng.

Tầng 4 là khoảng sân thoáng, có tầm nhìn thẳng ra Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là điểm đặc biệt thu hút nhiều du khách nước ngoài tìm đến quán.

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Khách lên được tầng 4 quán cà phê cảm thấy hơi "tốn sức" vì leo cầu thang dốc. Nhưng không gian khu vực này vẫn luôn được yêu thích nhất (Ảnh: Thanh Thúy).

Không chỉ kiến trúc căn nhà mà từng món đồ của quán cà phê cũng được gia chủ giữ gìn cẩn thận.

Bộ bàn ghế làm từ gỗ trắc, chạm thủ hoa văn cầu kỳ trường tồn theo năm tháng. Những bức tranh, pho tượng, bình cổ... trong quán hầu hết đều là tài sản được của cha chồng cô Loan để lại. Bên cạnh đó là các vật sưu tầm trong các lần du lịch dọc Bắc-Nam của gia đình.

Những chiếc lục bình sứ là món đồ được chồng cô Loan gìn giữ nhất. Đây đều là những lục bình chạm khắc điển tích Trung Quốc như "Đạm tuyết tầm mai", "Ngư ông đắc lợi"... Giá trị nhỏ nhất trung bình khoảng 20 triệu đồng/bình.

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Góc nhỏ trưng bày những kỷ vật, ảnh lưu niệm gia đình thời xưa trở thành bối cảnh cho thực khách chụp ảnh (Ảnh: Thanh Thúy).

Từ TPHCM ra Hà Nội lần đầu tiên, cô Bích Phượng (56 tuổi) ghé quán cà phê với mong muốn được uống thử cà phê trứng và được tham quan kiến trúc nhà cổ Hà Nội.

"Tôi nghĩ không riêng ở Hà Nội mà rất nhiều nơi khác cũng khó tìm được quán cà phê cổ như thế này, từng món đồ ở đây đều nhuốm màu thời gian. Không gian thoáng và không ồn ào như bên ngoài", cô Phượng nói.

Vị khách người TPHCM cho biết thêm, quán khá rộng nên di chuyển để tìm chỗ ngồi hơi tốn sức. 

 Quán cà phê trong nhà cổ Hà Nội, khách muốn vào phải

Cà phê trứng là đồ uống được nhiều thực khách yêu thích với vị béo ngậy của kem trứng hòa quyện vị đắng của cà phê (Ảnh: Thanh Thúy)

Thực đơn quán đa dạng với các loại nước ép, sinh tố nhưng chủ yếu tập trung vào cà phê, cacao. Bao gồm các loại cốt dừa, sữa tươi, sữa đá, sữa nóng, đen nóng...; nước ép cóc, ổi, dưa hấu... giá dao động 35.000-50.000 đồng. Giờ mở cửa là 8h-22h hàng ngày.

Nếu đến quán lần đầu, du khách sẽ cảm thấy hoang mang vì không dễ để tìm được lối vào. Ngõ nhỏ chỉ vừa đủ một xe máy đi qua khiến cho việc di chuyển khó khăn. Khu vực để xe hạn chế, nếu đi đông người, khách nên gửi xe bên ngoài trước khi đến quán.