Quán cà phê cho những người thất nghiệp nhưng giả vờ đi làm ở Trung Quốc

Viên Minh

(Dân trí) - Nhiều người thất nghiệp ở Trung Quốc chọn đến quán cà phê để "che giấu" hoàn cảnh khó khăn. Thuật ngữ "kẻ lang thang trong đô thị" gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội nước này.

Thuật ngữ "kẻ lang thang trong đô thị" được dùng để mô tả những người thất nghiệp hoặc những người đang chật vật tìm việc, phải lang thang trên đường phố trong giờ làm việc để che giấu hoàn cảnh khó khăn của họ với gia đình.

Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ tháng 1 đến tháng 4 ở mức 5,2%, giảm 0,2% so với năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên đại học, là 14,7% trong tháng 4.

Zhang Ni, 35 tuổi, chưa từng thất nghiệp, nhưng cô quyết định nghỉ làm vì cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần đi xuống.

Zhang cho biết công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh mà cô từng làm không đối xử bình đẳng, buộc cô phải làm việc quá sức.

Sau khi rời công ty vào tháng 11 năm ngoái, Zhang không muốn gia đình lo lắng nên ngày thường trong tuần cô đều đến quán cà phê sách. Cô vẫn làm như vậy liên tục 6 tháng. 

Quán cà phê cho những người thất nghiệp nhưng giả vờ đi làm ở Trung Quốc - 1

Nhiều "kẻ lang thang đô thị" dành cả tuần làm việc ở quán cà phê để che giấu hoàn cảnh (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Zhang đã đăng tải trên tài khoản mạng xã hội, cho biết đó là một trải nghiệm vừa lo lắng vừa may mắn. Dù lo lắng về việc thu nhập giảm và không đạt được thành tích, cô vẫn cảm thấy không thể bắt đầu công việc mới mà mình không thích.

Mặt khác, thất nghiệp giúp cô khám phá vẻ đẹp của Bắc Kinh - thành phố nơi cô đã sống trong nhiều năm qua. 

Trong khi đó, Zen, 31 tuổi, sống tại Thâm Quyến, chọn cách giấu gia đình và bạn bè về tình trạng thất nghiệp của mình vì "khắp nơi trong thành phố này đều là nei juan. Tôi cảm thấy lãng phí và bị bỏ rơi".

Nei juan là một thuật ngữ đang thịnh hành của Trung Quốc, được sử dụng để mô tả quá trình sống sót và dường như vô ích ở nơi làm việc.

Zen thường chọn quán cà phê để làm việc giả. Tại đây, anh có thể ngồi cả ngày với chi phí tối thiểu và "đắm mình" trong những tài liệu học tập mới mà anh hi vọng sẽ giúp mình bắt đầu sự nghiệp mới.

Liu Jinyan, 35 tuổi, sống ở Bắc Kinh, trở thành "kẻ lang thang thành thị" lần thứ ba khi anh bị sa thải vào năm ngoái.

Anh cho biết các quán cà phê là "nơi trú ẩn tốt nhất cho những người trung niên, thất nghiệp" vì mang lại không gian để suy nghĩ về tương lai của mình.

Trên mạng xã hội Trung Quốc có nhiều cuộc thảo luận về "cuộc khủng hoảng tuổi 35". Nhiều công ty từ chối những người xin việc trên 35 tuổi. Nếu bị sa thải ở độ tuổi đó, họ sẽ khó tìm được công việc mới. 

Ngày 26/5, Chủ tịch Gree Electric Appliances - Dong Mingzhu, người được mệnh danh là "nữ hoàng máy điều hòa" của Trung Quốc, đã gây ra tranh cãi khi nói rằng "cuộc khủng hoảng 35 tuổi" không tồn tại.

"Nếu không ai tuyển dụng bạn nữa, bạn có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình", bà cho hay. 

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm này, cho rằng chúng ta không còn sống trong thời đại mà bạn có thể tự tin nói: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường".