"Quái vật" biển sâu với xúc tu dài hơn 10 m bắt mồi ở độ sâu 1.000 m

Quốc Việt

(Dân trí) - Loài sứa biển với kích thước lớn nhất hành tinh còn gọi là "sứa ma khổng lồ", dùng những xúc tu dài tới hơn 10 m để bắt mồi.

Cảnh quay được thực hiện ở độ sâu gần 1.000 m tại vịnh Monterey, ngoài khơi California, Mỹ, vào tháng 11/2021. Nhóm các nhà sinh vật học đến từ Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey đã ghi lại gần như trọn vẹn hình ảnh sứa ma khổng lồ (StygiomedusaGigantea).

Đây là loài sứa biển có kích thước lớn nhất hành tinh. Được biết, đây là một trong số 9 lần nhóm nghiên cứu bắt gặp loài sinh vật này sau hàng nghìn chuyến lặn bằng tàu ngầm.

Quái vật biển sâu với xúc tu dài hơn 10 m bắt mồi ở độ sâu 1.000 m - 1
Sứa ma khổng lồ được phát hiện lần đầu vào năm 1899 nhưng phải 60 năm sau nó mới chính thức được công nhận là sinh vật mới (Ảnh cắt từ clip).

Phương tiện điều khiển từ xa của nhóm nghiên cứu quay cảnh "quái vật biển sâu" có chiều ngang hơn 1 m và các xúc tu dài tới 10 m dùng để săn mồi. Sinh vật di chuyển có vẻ chậm rãi với phần thân hình chuông còn những xúc tu giống như sợi ruy băng mềm mại.

Được biết, sứa ma khổng lồ xuất hiện ở nhiều lưu vực đại dương trên toàn cầu trừ Bắc Cực. Để tiếp cận sinh vật này rất khó khăn do môi trường sống của nó ở độ sâu lớn so với phạm vi tiếp cận của con người hoặc tàu ngầm điều khiển từ xa và có mức phân bố rộng.

Quái vật biển sâu với xúc tu dài hơn 10 m bắt mồi ở độ sâu 1.000 m - 2
Loài sinh vật này có độ phân bố rộng khắp toàn cầu trừ Bắc Cực, nhưng rất hiếm khi được nhìn thấy bởi môi trường sống của chúng quá sâu so với phạm vi tiếp cận của con người (Ảnh cắt từ clip).

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, loài sứa khổng lồ này được phát hiện từ năm 1899. Kể từ đó tới nay, giới nghiên cứu chỉ bắt gặp chúng khoảng 100 lần. Nhưng phải 60 năm sau, các nhà khoa học mới công nhận đây là loài động vật mới. Tới nay, thông tin về loài này vẫn còn rất ít.

Dù chưa biết rõ về sứa ma, nhưng giới nghiên cứu cho rằng chúng dùng xúc tu để bắt mồi và lùa vào miệng. Cơ thể của loài này giống như thạch mềm, qua đó giúp chúng chịu đựng và sống sót được ở môi trường có áp suất cực cao.

"Quái vật" biển sâu với xúc tu dài hơn 10 m

Theo một nghiên cứu trước đó của Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey, sứa ma thuộc nhóm động vật săn mồi quan trọng nhất ở môi trường độ sâu lớn. chúng thậm chí cạnh tranh nguồn thức ăn với các động vật thân mềm như mực và cả cá voi xanh.

Đoạn video có độ phân giải cao giúp người xem bắt trọn được khoảnh khắc ấn tượng của loài "quái vật biển sâu" với nhiều chi tiết cận cảnh.