Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự khánh thành điện Thái Hòa
(Dân trí) - Điện Thái Hòa là công trình quy mô, có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng thành Huế.
Chiều 31/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố hoàn thành Dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa" và Động thổ công trình "Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Điện Cần Chánh".
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Sự kiện diễn ra trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), mở đầu bằng chương trình tái hiện nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa, mang đến không gian uy nghi, trang trọng của một triều đại huy hoàng.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn; diễn ra các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.
Ngôi điện được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ, cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, năm 1833 hoàn thành.
Sau hàng trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy.
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được thực hiện từ năm 2021 với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Dự án bao gồm nhiều hạng mục, như bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống kết cấu chịu lực bằng gỗ, hệ mái, tường và nền; bảo quản, tu bổ, phục hồi chi tiết các trang trí ngoại thất và nội thất công trình.
Sau 3 năm thi công, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng. Điện Thái Hòa được tái hiện trong diện mạo lộng lẫy, sẵn sàng chào đón du khách tham quan.
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng động thổ công trình tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh.
Theo sử liệu, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn sót lại phế tích là phần nền móng. Cùng với điện Thái Hòa và điện Càn Thành, điện Cần Chánh là 3 công trình mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn, nằm trên trục thần đạo.
Đây là nơi làm việc của các vua nhà Nguyễn, tổ chức thiết triều và yến tiệc trong những dịp khánh hỷ, tiếp đón các sứ bộ quan trọng. Cần Chánh được cho là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành - Đại nội Huế.
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh có quy mô diện tích khoảng 1ha, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, tỉnh đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong việc thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.
Theo ông Phương, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế được đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.