Đề xuất phục hồi di tích Đại Cung Môn trong Hoàng thành Huế

Vi Thảo

(Dân trí) - Di tích Đại Cung Môn là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với Quần thể di tích Cố đô Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức có tờ trình về chủ trương đầu tư dự án phục hồi di tích Đại Cung Môn trong Hoàng thành Huế để HĐND tỉnh này xem xét, thông qua trong kỳ họp chuyên đề diễn ra vào ngày 15/11.

Dự án nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm.

Đề xuất phục hồi di tích Đại Cung Môn trong Hoàng thành Huế - 1

Di tích Đại Cung Môn bên trong Tử Cấm Thành Huế (Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế).

Theo đó, dự án sẽ tu bổ, phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền, bậc cấp lát đá Thanh, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.

Phục hồi phần chính của Đại Cung Môn gồm kết cấu bộ khung gỗ, mái, vách ván; các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng; các cấu kiện gỗ được bảo quản chống ẩm và chống mối gỗ...

Dự án cũng sẽ tu bổ, phục hồi sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong sau Đại Cung Môn; tôn tạo hệ thống điện chiếu sáng công trình, chiếu sáng nghệ thuật nội thất và ngoại thất; tôn tạo, lắp đặt hệ thống rãnh thoát nước; lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera.

Đề xuất phục hồi di tích Đại Cung Môn trong Hoàng thành Huế - 2

Đại Cung Môn là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với Quần thể di tích Cố đô Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại Cung Môn là cửa chính, công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung. Tuy nhiên, công trình đã bị thiêu hủy và chỉ còn lại nền móng.

Việc thực hiện tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Đại Cung Môn gồm 3 cửa và 5 gian được xây dựng năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng, được làm hoàn toàn bằng gỗ cực kỳ tinh xảo, với phần ngói hoàng lưu ly lợp ở phía trên. Công trình này cùng với điện Cần Chánh và một loạt cung điện khác trong Tử Cấm Thành đã bị phá hủy bởi chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng.

Trong khoảng thời gian tháng 5-7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn, trên diện tích 60m2.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, 2 đơn vị nói trên có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị.