ĐBSCL:

Phát triển giao thông đường thủy sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngành du lịch

(Dân trí) - “Cần Thơ được tổ chức Mysterious Wolrd đánh giá là một trong 10 thành phố kênh rạch đẹp nhất thế giới, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta ở đây đã thực hiện một tour đường sông quanh Cần Thơ. Tại sao chúng ta không đầu tư vào đường sông? Việc phát triển hệ thống giao thông đường sông sẽ mang lại hiệu quả cho du lịch đặc thù của vùng sông nước Cửu Long”, đó là ý kiến của ông Trương Quang Hoài Nam- Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại hội nghị thu hút đầu tư hạ tầng- nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL.

ĐBSCL thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí

Ngày 25/10, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tổ chức hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL (MekongInvest) năm 2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng- nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng giới thiệu, mời gọi đầu tư 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch, với tổng vốn gần 7.800 tỷ đồng và 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logostic với tổng vốn dự kiến 150.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng ĐBSCL cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường thủy để phát triển ngành du lịch
Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng ĐBSCL cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường thủy để phát triển ngành du lịch

Ông Phạm Thế Triều – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% trên cả 3 tiêu chí (lượng khách, lưu trú, doanh thu), đặc biệt là hạ tầng phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, các doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển.

Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 8,5 triệu lượt khách lưu trú (900 nghìn khách quốc tế), doanh thu đạt 15 nghìn tỷ đồng. Theo quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, ĐBSCL đón 34 triệu lượt khách, doanh thu đạt 25 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, doanh thu đạt 111 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 toàn vùng có 53 nghìn phòng và năm 2030 có 100 nghìn phòng khách sạn, trong đó từ 3 – 5 sao chiếm 30% (khoảng 30 nghìn phòng).

Song hiện nay, ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn từ 3 – 5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, chưa có nhiều điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch.

“Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL hướng tới là rất lớn nhưng với sự thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú hiện hữu, các loại hình dịch vụ này hiện nay ở ĐBSCL như mảnh đất hoang cần được khai phá để phát triển và làm giàu...” - ông Triều nói.

Ưu tiên đầu tư du lịch bằng đường sông

Trong vai một du khách cảm nhận về nhu cầu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch ở Cần Thơ và ĐBSCL, ông Trương Quang Hoài Nam – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết ông là người đam mê du lịch và thường xuyên đi du lịch. Không những thế những năm qua ông còn làm “hướng dẫn viên” cho gia đình và khách đường xa đến. Quá trình tương tác ấy ông có nhận xét so với một số nơi khác của Việt Nam thì Cần Thơ và ĐBSCL chưa có những sản phẩm xuất sắc dựa trên 3 thành tố cơ bản là tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch và chất lượng dịch vụ.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phóc chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phóc chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Ông Nam cũng cho rằng, để phát triển du lịch ngoài cơ sở lưu trú hay dịch vụ hỗ trợ thì giao thông là điều quan trọng nhất. Nếu giao thông thuận tiện, nhanh chóng thì du lịch mới phát triển. Bởi du lịch gắn với việc di chuyển con người trên phạm vi nhất định”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho biết, ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu về du lịch của Cần Thơ thì thấy 80% du khách đến Cần Thơ đi bằng đường ô tô, vì đường sắt chưa có, đường sông chưa phát triển, đường hàng không còn hạn chế.

“Cần Thơ được tổ chức Mysterious Wolrd đánh giá là một trong 10 thành phố kênh rạch đẹp nhất thế giới, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta ở đây đã thực hiện một tour đường sông quanh Cần Thơ. Tại sao chúng ta không đầu tư vào đường sông? Việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy sẽ mang lại hiệu quả cho du lịch đặc thù của vùng sông nước Cửu Long”, ông Nam nhấn mạnh.

“Là một du khách tôi muốn di chuyển bằng thuyền êm ái, nhanh và có dịch vụ tốt với giá cả hợp lý. Tôi cũng muốn rằng trên tuyến đường du lịch đường sông, các cơ quan chức năng phải làm tốt việc quy hoạch và kêu gọi đầu tư các bến tàu du lịch, các điểm tham quan và đảm bảo vệ sinh cảnh quan hai bên tuyến đường”, ông Nam mong muốn.

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm