Phát hiện 1.000 cổ vật trên núi Võ Đang - Điểm đến "phủ màu" huyền thoại
(Dân trí) - Nhóm khảo cổ học đã phát hiện hơn 1.000 món cổ vật từ một di tích trên núi Võ Đang - điểm đến nổi tiếng với những ngôi đền Đạo giáo nằm ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Hơn 1.000 món đồ tạo tác được tìm thấy tại cung điện Ngũ Long trên núi Võ Đang ở tỉnh Hồ Bắc, mới được nhóm khảo cổ Trung Quốc phát hiện và khai quật.
Được biết, đây vốn là một ngôi đền Đạo giáo được xây dựng vào thời nhà Đường (618-907), nhưng rồi dần dần bị bỏ hoang sau thời kỳ nhà Thanh (1644-1911).
Ông Kang Yuhu, một nhà nghiên cứu đến từ viện di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Hồ Bắc cho biết, các món đồ tạo tác có niên đại sớm nhất từ thời nhà Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên). Trong đó bao gồm nhiều món đồ bằng gốm, một số vật phẩm tôn giáo, đồ dùng trong nhà như đèn nến và kẹp tóc.
Khám phá thú vị nhất phải kể tới một số bức phù điêu mô tả 5 con rồng, Huyền Vũ (một vị thần quan trọng của Đạo giáo), hoa văn lửa, và một con thỏ ngọc đang giã thảo dược.
Theo vị chuyên gia đứng đầu dự án khai quật lần này, bức phù điêu 5 con rồng từng được sử dụng trong nghi lễ "ngũ rồng cầu mưa". Những bậc thang bằng đá xung quanh cho thấy bức phù điêu từng là một phần của bàn thờ có khả năng tổ chức những cuộc tụ họp quy mô lớn.
Vào năm 2020, các nhà khảo cổ học Trung Quốc bắt đầu khai quật một số khu vực của cung điện Ngũ Long. Những công trình tại đây trải rộng trên diện tích khoảng 49.000m2. Công trình đồ sộ này là một trong những cung điện lâu đời nhất và các đền thờ Đạo giáo từng được xây dựng trên núi Võ Đang.
Núi Võ Đang còn gọi là núi Thái Hòa, nằm ở phía nam thành phố Thập Yển thuộc tây bắc tỉnh Hồ Bắc.
Dãy núi cao sừng sững, kéo dài hàng trăm km, từ lâu được danh xưng là "Thiên hạ danh sơn" (tạm dịch: ngọn núi nổi tiếng trong thiên hạ). Ngọn núi thuộc quần thể du lịch Hải Bạt, có chiều cao khoảng 1.610m. Đây đồng thời được coi là "vùng đất thánh" của Đạo giáo.
Võ Đang có 72 đỉnh núi dốc nằm kề nhau. Từ thời nhà Hán, các giáo sĩ đã coi là ngọn núi của Đạo giáo. Hàng nghìn tín đồ về đây để học tập và tu luyện. Võ Đang được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo và Thái Cực quyền.
Ngày nay, quần thể các công trình cổ của núi Võ Đang vẫn đang được gìn giữ khá nguyên vẹn. Đoạn đường dài 70km từ chân núi tới đỉnh núi có 32 đền thờ Đạo giáo, chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc của thời nhà Nguyên, Minh và Thanh. Mỗi đền thờ được dựng từ các hang động nằm bên sườn núi hiểm trở, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Ngoài những công trình cổ, núi Võ Đang hiện lưu giữ hơn 7.400 di tích văn hóa quý giá, đặc biệt là những di sản văn vật Đạo giáo nổi tiếng. Từ lâu, địa danh này đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Năm 1994, nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp và kiến trúc cổ, ngọn núi này từ lâu được nhiều người biết tới thông qua các tác phẩm truyện kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Bởi thế, nhắc tới địa danh này, người ta vẫn nghĩ về một điểm đến "phủ màu" của những huyền thoại.