Pháp là điểm đến hấp dẫn nhất, Trung Quốc “vô địch” đi du lịch

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số du khách trên hành tinh đạt ngưỡng 1 tỷ người vào năm 2013, cao gấp 4 lần so với cột mốc năm 1985. Nhiều địa điểm du lịch mới mở ra và 20% tổng du khách là người châu Á.

"Con gà đẻ trứng vàng" của Pháp

Nhờ có bãi biển trải dài trên 2.000 km, hai dãy núi Pyrénée và Alpes ngủ vùi dưới tuyết suốt mùa đông, nền nghệ thuật ẩm thực được xếp vào bậc nhất của thế giới, di sản văn hóa đa dạng, kiến trúc ngoại hạng... mà nước Pháp vừa được chọn là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2013. Số du khách tham quan nước Pháp đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Cụ thể, năm 2012, 83 triệu du khách nước ngoài dừng chân trên quê hương của Victor Hugo. Thành tích của Pháp trội hơn hẳn so với số lượng du khách đến tham quan nước Mỹ trong cùng thời gian (61 triệu du khách) và Tây Ban Nha (58 triệu du khách). Trong đó, lượng du khách đến từ châu Âu và châu Á tăng mạnh. Tuy nhiên, số du khách đến từ châu Mỹ và châu Phi lại giảm đi đáng kể.

Năm 2011, ngành du lịch thu về cho nước Pháp hơn 41 tỷ euro, tương đương với 7 % tổng sản phẩm nội địa của nước này. Trong khi đó, hai lĩnh vực kinh tế quan trọng khác là ngành nông nghiệp và năng lượng, mỗi ngành chỉ tạo ra thêm có 30 tỷ euro hàng năm. Không dừng lại ở việc đem tiền về, ngành du lịch còn bảo đảm công ăn việc làm cho 2 triệu người lao động trên đất Pháp. Một yếu tố quan trọng khác, đây là một trong những lĩnh vực kinh tế hiếm hoi tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ, dù không có bằng cấp cao, vẫn dễ hội nhập vào thị trường lao động. Đối với vùng Provence Alpes Côtes d’Azur nắng ấm ở miền nam, các hoạt động liên quan đến dịch vụ du lịch bảo đảm đến gần 12 % ngân sách của toàn vùng.

Dù tăng trưởng mạnh mẽ song ngành du lịch Pháp vẫn bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Một trong số đó là từ gần 25 năm qua, nước Pháp ít chú trọng vào các chương trình đầu tư để nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch. Theo Cơ quan du lịch Pháp DGCIS, còn quá nhiều khách sạn bị coi là chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, người Pháp thường bị chê là "kém tiếng Anh", "lạnh lùng" và "không mấy hiếu khách". Ngoài ra, khách quốc tế đến Pháp không tiêu xài nhiều như khi họ tham quan Mỹ hay Tây Ban Nha. Tuy thu hút được đến 83 triệu du khách nước ngoài vào năm 2012 song du lịch Pháp chỉ thu được 43 tỷ euro. Trong khi đó, với khối lượng du khách chỉ bằng 3/4 so với của Pháp, nước Mỹ lại "móc túi" khách du lịch một cách hợp pháp tới 90 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với nước Pháp.
Khách du lịch ngày càng đổ xô tới Pháp.

Khách du lịch ngày càng đổ xô tới Pháp.

 
Du khách Trung Quốc "bùng nổ"

Tính đến năm 2010, dân Đức là những người chịu khó du lịch nhất trên thế giới. Thế nhưng, trong hơn ba năm trở lại đây "chức vô địch" đã về tay Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là một cường quốc kinh tế, thương mại và quân sự mà còn là một siêu cường về mặt du lịch. Tuy rằng mới chỉ có 10 % dân số Trung Quốc có điều kiện tham quan nước ngoài nhưng chỉ chừng đó cũng đủ để Trung Quốc qua mặt Nhật Bản. Thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2012 cho thấy rằng đúng cách đây một thập niên, chỉ có 10 triệu du khách Trung Quốc du lịch ngoại quốc. Con số này đã nhảy vọt lên thành 83 triệu du khách vào cuối năm 2013.
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khới đầu. Vẫn theo Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2020, sẽ có tới 100 triệu người Trung Quốc chu du trên khắp thế giới. Hiện tại phần lớn các du khách Trung Quốc đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu. Nhưng trong thời gian gần đây, thì người dân ở những thành phố như Nam Kinh, Hạ Môn, Vũ Hán, Thành Đô bắt đầu có khuynh hướng đi nghỉ mát ở ngoại quốc. Do đời sống được nâng cao, lại có thêm ngày nghỉ khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng có điều kiện du lịch nước ngoài.
 
Quan trọng hơn, du khách Trung Quốc cũng chịu chi nhiều tiền hơn. Cụ thể, năm 2012, du khách Trung Quốc khi tham quan nước ngoài chi ra 102 tỷ euro. Con số này tăng 12 % so với hồi năm 2011. Trung bình khi đến Pháp, mỗi du khách Trung Quốc xài 173 euro/ngày. Trong khi đó, người Nhật chi ra là 190 euro/ngày. Nghiên cứu gần đây nhất của tạp chí Hurun có trụ sở tại Thượng Hải, vốn được công bố vào đầu tháng 6/2013, cho biết hiện có tới gần 50 % du khách Trung Quốc thiên về các tour du lịch chỉ để mua hàng hạng sang và ngân sách của họ dễ dàng lên tới 5.000 USD mỗi một lần xuất ngoại.

Tuy nhiên, theo cơ quan tư vấn về khuyến mãi Global Blue của Mỹ, nhu cầu mua sắm và sở thích cũng như mục đích du lịch của các du khách Trung Quốc lại đang có dấu hiệu thay đổi. Cho đến những năm 2010 - 2011, du khách Trung Quốc chủ yếu là để đi mua sắm các mặt hàng hạng sang. Nhưng gần đây, họ muốn dành nhiều thì giờ để tham quan hơn trong chuỗi ngày ngắn ngủi được dừng trên đất Pháp. Việc mua sắm thì đã có internet và tầng lớp giàu có ở Trung Quốc không cần phải đi sang tận thủ đô Paris mới sắm được một chiếc túi sách tay của Hermes hay Louis Vuitton …

Song nhìn chung, các sản phẩm "de luxe" của Pháp vẫn rất "có giá" trong con mắt của những vị nhà giàu Trung Quốc. Hiện nay có tới 2,8 triệu người Trung Quốc đã trở thành triệu phú USD và Pháp là một trong ba điểm đến mà thành phần này chú ý tới nhiều hơn cả. Để mua sắm, họ chọn Pháp là thị trường lý tưởng số 1, trước Mỹ và Singapore, Thụy Sĩ, Anh Quốc và Italia.

Du khách Trung Quốc được mệnh danh là những ví tiền di động.

Du khách Trung Quốc được mệnh danh là "những ví tiền di động".
 
Du lịch đi trước toàn cầu hóa

Ngành du lịch đang trên đà trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của thế giới. Bà Sylvie Matelly, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế Chiến lược, Iris –Paris cho hay: "Các thống kê gần đây cho thấy ngành du lịch đã phát triển ở một tốc độ thần kỳ. Có thể nói, sự bùng nổ của ngành du lịch đã đi trước hiện tượng toàn cầu hóa một bước. Du khách đến từ các nước đang trỗi dậy ngày càng chiếm một vị trí quan trọng, và những quốc gia đó cũng đang trở thành những điểm đến ngày càng được ưa chuộng. Đơn cử, số du khách châu Á giờ đây đông hơn so với du khách Mỹ...". Theo Tổ chức Du lịch Thế giới chỉ trong 20 năm nữa lượng khách du lịch trên thế giới hàng năm sẽ là 1,8 tỷ người thay vì 1 tỷ như năm 2012, trong đó có đến 20 % du khách của toàn cầu là người châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
 
Còn theo Cơ quan du lịch của Pháp, tính từ năm 2009 đến 2011, lượng du khách Brazil viếng thăm nước Pháp tăng 59 %, du khách từ Trung Quốc đến tăng 47 %. Bên cạnh đó, ngoài những quốc gia từ trước đến nay được du khách quốc tế quan tâm Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước ở châu Phi, đến này còn phải kể đến những nước nhỏ như Thái Lan, Việt Nam … cũng đang trở thành những địa điểm du lịch rất được ưa chuộng của quốc tế....
 
Hà Anh
Theo RFI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm