Phản cảm muôn kiểu "xin tiền" của Tây ba lô ở Việt Nam

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều du khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch nhưng lại treo biển xin tiền ở các góc phố, điểm công cộng... Nhiều người trong số đó còn sử dụng số tiền xin được để “nướng” vào các điểm vui chơi xa xỉ…

Sáng xin tiền, đêm về lên bar hưởng thụ?

Mới đây, trên Facebook lan truyền hình ảnh một nữ du khách nước ngoài ngồi thiền ở thị trấn Dương Đông (Phú Quốc – Kiên Giang) xin tiền gây xôn xao dư luận. Theo đó, khoảng 16h ngày 7/8, cô gái này đi từ khu phố 9 đến về hướng khu phố 3 của thị trấn Dương Đông. Đến ngã ba đường Mạc Cửu - Trần Phú thì dừng lại và ngồi thiền. Phía trước mặt, nữ du khách này đặt một chiếc nồi inox và tờ giấy ghi dòng chữ: "Thiền để được may mắn, cần tiền". Rất nhiều người dân đi qua đã dừng lại để cho tiền.

Được biết, cô gái trên tên L.N (20 tuổi, quốc tịch Nga) đã đi du lịch “bụi” qua nhiều quốc gia như: Philippines, Singapore, Campuchia, Thái Lan... mà không cần tiền. Tại những nơi này, cô đều tự dựng lều ngủ qua đêm tại công viên, ven biển hoặc trong rừng. Ban ngày thì ngồi thiền tại các tuyến phố đông người để xin tiền, trang trải chi phí.

Nữ du khách này đến Việt Nam được 3 tháng, cô cùng một người bạn đến Phú Quốc chơi nhưng không thuê nhà nghỉ mà chỉ dựng lều ven biển ngủ qua đêm.

Du khách người Nga ngồi thiền xin tiền đi du lịch ở Phú Quốc gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: FB
Du khách người Nga ngồi thiền xin tiền đi du lịch ở Phú Quốc gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: FB

Câu chuyện của nữ du khách người Nga nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, nếu vì lý do bất khả kháng như bị mất trộm, cướp giật hoặc bệnh tật, ốm yếu… thì có thể xin trợ giúp của người khác. Tuy nhiên, nếu vẫn còn trẻ, khỏe mạnh, minh mẫn mà lại cầm bảng xin tiền, đặc biệt là lấy chi phí cho những chuyến du lịch, ăn chơi hưởng thụ là việc khó có thể chấp nhận. “Còn rất nhiều người cần tới sự giúp đỡ như các cụ già neo đơn, hay các em nhỏ mồ côi, đánh giày… Nếu muốn đi du lịch thì hãy nghĩ cách kiếm tiền để trang trải bằng chính sức lao động của mình”, tài khoản T.T bình luận. Trong khi đó, một người có tên H.N.T cũng cho rằng: “Không hiểu tại sao một cô gái xinh đẹp, trẻ khỏe lại có thể ngồi xin tiền của người khác mà không nghĩ đến việc kiếm tiền bằng sức lao động của mình”.

Thực tế, không riêng gì Phú Quốc tình trạng du khách nước ngoài ngồi bên đường, góc phố với những tấm bảng xin tiền để trang trải chi phí du lịch không phải là hiếm ở Việt Nam. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các tuyến phố đi bộ là địa điểm tập trung khá đông khách du lịch nước ngoài biểu diễn nghệ thuật với mục đích kiếm tiền. Họ thường đánh đàn, hát, biểu diễn ảo thuật… Các tiết mục kéo dài liên tục và có các hộp nhỏ để đựng tiền ủng hộ của khán giả.


Màn biểu diễn đàn Mandolin của nghệ sĩ đường phố xin tiền để đi du lịch. Ảnh: ANTĐ

Màn biểu diễn đàn Mandolin của nghệ sĩ đường phố xin tiền để đi du lịch. Ảnh: ANTĐ

Một số người còn ghi thông tin kêu gọi trên các tấm bìa như: “Tôi là P.T, 24 tuổi đến từ Đức, tôi yêu Hà Nội và tôi cần tiền để về nước…” hay: “Tôi đang đi du lịch vòng quanh thế giới, tôi cần tiền để khám phá Việt Nam, hãy giúp tôi…”. Tuy nhiên, điều đáng nói họ đều là những thanh niên còn rất trẻ, khỏe. Một số thậm chí sử dụng số tiền xin được và hưởng thụ vào các dịch vụ xa hoa tại các điểm du lịch họ đi qua.

Cụ thể, gần đây nhất, câu chuyện của một du khách người Đức xin tiền ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) đã gây bất bình dư luận. Với đôi chân bị phù nề, bộ dạng khốn khổ, du khách này nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của rất nhiều người. Tuy nhiên, người này sau đó bị bắt gặp ngồi uống bia, ăn uống thoải mái tại các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn.

Du khách người Đức từng ngồi ăn xin tại Sài Gòn và nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân. Ảnh: FB
Du khách người Đức từng ngồi ăn xin tại Sài Gòn và nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân. Ảnh: FB

Tuy nhiên, người này bị cộng đồng mạng lật tẩy từng ăn chơi xa xỉ tại nhiều địa điểm du lịch mà hắn ghé qua. Ảnh: Fb
Tuy nhiên, người này bị cộng đồng mạng lật tẩy từng ăn chơi xa xỉ tại nhiều địa điểm du lịch mà hắn ghé qua. Ảnh: Fb

Thậm chí, cư dân mạng nhanh chóng lật tẩy đây chính là Benjamin – người được mệnh danh là “gã ăn xin xuyên quốc gia” chuyên lợi dụng lòng tốt của người dân địa phương để ăn chơi, hưởng thụ. Trong 3 năm qua, Benjamin đã đi hàng chục nước trên thế giới để du lịch. Ban ngày du khách này ngồi tại các điểm công cộng để xin tiền, tối đến lại vào các quán bar, tụ điểm ăn chơi. Câu chuyện của Benjamin đã từng gây phẫn nộ và bị truyền thông các nước lên án gay gắt.

Lên án hay cảm thông?

Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng “tây ba lô” ăn xin cũng diễn ra khá phổ biến, nhức nhối. Để chấn chỉnh, một số nước đã phải ra những quy định xử lý nhằm siết chặt vấn nạn này. Cụ thể, Thái Lan bắt buộc phải trình 700 USD tiền mặt mới được nhập cảnh. Hay tại Singapore, Malaysia họ yêu cầu khách du lịch có biểu hiện nghi ngờ phải xuất trình tiền mặt đủ để đảm bảo ăn ở trong thời gian nước họ.

Tuy nhiên ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền là chủ yếu. Trao đổi với PV Dân trí, ông Tùng Lâm (Giám đốc BQL Hồ Hoàn Kiếm) cho biết, so với ăn xin trong nước thì những người nước ngoài lịch sự hơn. Họ thường đàn, hát, biểu diễn nghệ thuật để xin tiền. Tuy nhiên, theo quy định thì tất cả những hành động chèo kéo, hàng rong, xin tiền… đều không được phép vì dễ gây phản cảm. “Thời gian vừa qua, ở tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, hiện tượng du khách nước ngoài biểu diễn sau đó xin tiền không phải là hiếm. Đối với trường hợp như vậy chúng tôi thường đến nhắc nhở, giải thích tuyên truyền để họ hiểu về quy định của Việt Nam. Nhiều du khách chấp hành nhưng cũng có người sau đó vẫn tái diễn”, ông Lâm nói.

Hình ảnh các du khách nước ngoài treo biển, ngồi đàn hát xin tiền đi du lịch không phải hiếm ở các nước Đông Nam Á.
Hình ảnh các du khách nước ngoài treo biển, ngồi đàn hát xin tiền đi du lịch không phải hiếm ở các nước Đông Nam Á.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan (Phó Giám đốc Hanoi Redtours) cho rằng, thực tế những du khách đăng ký xuất nhập cảnh vào Việt Nam nhưng lại làm các công việc như: ăn xin thậm chí cướp giật, mại dâm… không phải là hiếm. Có trường hợp Tây ba lô còn lừa đảo người bản xứ bằng các chiêu trò tinh vi như: lừa đổi ngoại tệ, lừa bán đồng hồ, điện thoại… cũng đã xảy ra gây bức xúc dư luận.

Những vị khách này không mang lại nguồn thu cho ngành du lịch mà còn gây phản cảm, ảnh hưởng hình ảnh điểm đến.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải có những quy định cụ thể, giới hạn những hoạt động, công việc mà khách du lịch được quyền thực hiện. Nếu không tuân thủ sẽ bị xử lý nghiêm minh. “Nhiều quốc gia đã cấm ăn xin, thậm chí việc người nước ngoài bán hàng rong trên đường phố bị coi là lao động bất hợp pháp có thể bị trục xuất về nước. Nếu chúng ta kiên quyết xử lý một vài trường hợp thì chắc chắn du khách nước ngoài sẽ không dám tái phạm. Đối với những trường hợp khách bị rủi ro như mất trộm đồ hay họ đi du lịch bụi, vừa đi vừa kiếm tiền trang trải chi phí cho chuyến đi thì có thể tạo điều kiện. Ví dụ như cấp phép để họ biểu diễn tại một số các điểm công cộng hoặc làm những công việc hợp pháp để kiếm tiền”, ông Hoan cho hay.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng nếu du khách xin tiền chỉ để thỏa mãn những thú vui, ăn chơi xa xỉ thì đáng lên án, xử lý. Ngược lại những trường hợp rủi ro, gặp khó khăn thực sự thì cũng có thể tạo điều kiện giúp đỡ để họ có công việc hợp pháp, kiếm tiền trang trải chi phí về nước.

Hà Trang