Nỗi khổ của hòn đảo cứ "1m2 lại có 10 người check-in" ở Hy Lạp
(Dân trí) - Khi hoàng hôn buông xuống, Santorini chật kín du khách chen nhau chụp ảnh nhưng sau đó, họ rời đi để lại đường phố vắng tanh như "thị trấn ma".
Santorini - hòn đảo ở miền nam biển Aegea - là điểm đến nổi tiếng thế giới với cảnh quan độc đáo được hình thành bởi một vụ phun trào núi lửa vào khoảng năm 1600 TCN.
Mỗi năm, khoảng 3,4 triệu du khách tới đây để chiêm ngưỡng những căn nhà màu trắng, nhà thờ có mái vòm xanh, bầu trời và biển cả tuyệt đẹp… vượt xa số lượng 20.000 cư dân của đảo.
Trong mùa cao điểm, mỗi ngày, có tới 17.000 hành khách đổ xô đến các điểm nóng trên đảo như thủ đô Fira và thị trấn Oia ở mũi phía tây bắc. Nơi đây thậm chí còn được mệnh danh là "đảo Instagram" hay "đảo sống ảo" vì vẻ đẹp hoàn hảo khi lên ảnh mà không cần chỉnh sửa.
Cảnh tượng "1m2 lại có 10 người check-in" trên những con phố chật hẹp và ban công ven vách đá lúc hoàng hôn khiến người dân địa phương cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, đám đông lại nhanh chóng tan rã. Từ phố thị sôi động, hòn đảo này bỗng chốc trở thành "thị trấn ma" không bóng người, theo CNN.
Thị trưởng Santorini Nikos Zorzos đề xuất giới hạn số lượng hành khách đến đảo bằng tàu du lịch xuống còn 8.000 người/ngày. Động thái này được Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis ủng hộ. Ông nói với Bloomberg rằng, biện pháp trên sẽ được áp dụng từ năm 2025.
Du lịch quá mức đã trở thành thuật ngữ thông dụng trong ngành du lịch trong những năm gần đây. Các điểm đến nổi tiếng đang phải vật lộn để cân bằng giữa nhu cầu chi tiêu của du khách với chất lượng cuộc sống của cư dân, đồng thời duy trì môi trường bền vững cho tất cả mọi người.
Ở Santorini, nhiều người cho rằng, vấn đề không chỉ đơn giản là có quá đông khách du lịch.
Gianluca Chimenti - điều hành công ty lữ hành địa phương và là cư dân Santorini 18 năm - nhận xét: "Du lịch đông đúc không tồn tại. Những gì tôi thấy là thiếu các công trình kiến trúc".
Trong khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các điểm nóng của hòn đảo quá tải vào giờ cao điểm, cảnh tượng vào những thời gian khác lại hoàn toàn đối lập.
"Sự thật là hòn đảo này đang vắng tanh. Đây là mùa du lịch tồi tệ nhất từ trước đến nay", ông nói.
Tháng 7 và tháng 8 là mùa cao điểm ở Santorini. Thế nhưng, các trung tâm thị trấn đã im lìm sau 21h, nhà hàng và khách sạn cũng không còn mở cửa.
Vào giữa đến cuối thế kỷ 20, Santorini vẫn là nơi cư dân đi lại bằng lừa, trồng cà chua và chăm vườn nho để sản xuất rượu vang. Hiện tại, cơ sở hạ tầng lỗi thời của hòn đảo phải chịu áp lực nghiêm trọng, đặc biệt là cảng chính tại Fira.
Nếu không muốn đi bộ quãng đường dài và rất dốc, du khách chỉ còn lựa chọn đi cáp treo từ Cảng Cũ đến trung tâm thành phố. Khi các tàu du lịch cùng cập bến, việc phải xếp hàng dài là điều bình thường.
Tuy nhiên, khi đám đông tỏa đi, các khách sạn chỉ đạt công suất dưới 30% so với mùa bình thường. Các doanh nghiệp khác trên đảo cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự.
"Vấn đề là phương tiện truyền thông xã hội đang cho thấy điều hoàn toàn khác với thực tế", ông Chimenti nói.
Tuy nhiên, không phải ai đến Santorini cũng có trải nghiệm tồi tệ. Những khung cảnh lãng mạn trên đảo vẫn khiến nơi đây là lựa chọn phổ biến cho kỳ nghỉ trăng mật và đám cưới.
Katie Haslam (đến từ Anh) hưởng tuần trăng mật ở đảo vào tháng 7. Để có được kỳ nghỉ trong mơ, vợ chồng cô đã lên kế hoạch tỉ mỉ.
Thay vì chen vào Fira đông đúc, cặp đôi chọn ở lại ngôi làng trên đỉnh vách đá chỉ cách thủ đô vài cây số. Nơi đó rất đẹp và yên tĩnh, khác xa cảnh hàng nghìn du khách đi trên 8 con tàu du lịch đổ bộ lên đảo.
Không chỉ tránh xa sự ồn ào trong thị trấn, họ còn thảnh thơi ngồi trên ban công lúc 20h, nhâm nhi ly rượu vang trong khung cảnh thơ mộng.